NEET là gì? Sự khác nhau giữa NEET, Otaku, Freeter và Hikikomori – Sách 100

NEET là gì? Sự khác nhau giữa NEET, Otaku, Freeter và Hikikomori

Ngày đăng: 24/06/2021 - Người đăng: Tạ Ngọc Trâm

NEET - CĂN BỆNH ĐÁNG SỢ CỦA XÃ HỘI NHẬT BẢN

neet là gì

 

  Nhật Bản - cường quốc về kinh tế của Châu Á, một đất nước khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục về sự nỗ lực, ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của họ vượt qua bao thiên tai, thảm họa. Hơn thế nữa, Nhật Bản còn là vùng đất mơ ước của rất nhiều người. Thế nhưng, chính sự phát triển nhanh chóng về kinh tế đã gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là với giới trẻ. 

Lần này, Sách 100 sẽ cùng bạn đi tìm hiểu về NEET - một trong những vấn đề đang nổi cộm gần đây ở Nhật Bản !

 

I. NEET là gì?

 

1. Định nghĩa NEET

 

NEET là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh “Not in Education, Employment or Training” (Không học hành, không việc làm, không đào tạo). 

Hầu hết NEETs thuộc nhóm người từ 15-34 tuổi, không quan tâm đến học hành, không làm việc và cũng không tham gia bất kỳ khóa đào tạo nào. Ngày nay, họ được coi là những kẻ “lông bông”, vô công rỗi nghề nhưng lại sống cách xa xã hội và được gia đình chu cấp đầy đủ về mặt vật chất.

 

2. Thực trạng

 

Hiện tượng này xuất hiện ở Anh vào cuối những năm 90, tuy nhiên những năm gần đây lại trở nên phổ biến tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và trở thành một vấn đề vô cùng đáng lo ngại.

Bộ Lao động xã hội Hàn Quốc cho hay số lượng NEETs tại nước này vào năm 2004 là 1,21 triệu người, chiếm khoảng 8% số người trẻ. 

Tại Nhật Bản, số lượng NEETs lại đang tăng với tốc độ chóng mặt. Gần đây, hiện tượng này lây lan cả sang những người ở nhóm tuổi khác, khi mà ngay cả người lớn cũng không chịu đến công sở mà nhốt mình ở nhà trong nhiều tháng liền. Con số này chiếm khoảng 2% dân số.

Trong khi đó, tại Trung Quốc 70% những người thất nghiệp là người trẻ.

 

Vậy, nguyên nhân do đâu?

 

3. Nguyên nhân

 

Theo bài phân tích trên những tờ báo lớn ở Trung Quốc, đa số các NEETs tại đây thuộc thế hệ “con một”, ra đời trong giai đoạn đầu khi nước này áp đặt khắt khe các chính sách sinh đẻ hồi thập niên 70. Lớn lên trong giai đoạn đất nước phát triển phồn thịnh một cách chóng mặt, lại là con 1 trong nhà, các cậu ấm cô chiêu này được gia đình cung phụng và yêu chiều hết mực. Chính điều này đã làm con trẻ thiếu tính tự lập, mất ý thức phấn đấu và dễ dàng từ bỏ ước mơ.

 

nuông chiều con cái

 

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế một cách nhanh chóng và vượt bậc cũng là một trong các nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Kinh tế đi lên, đồng nghĩa với việc mức sống được cải thiện đáng kể. Nhưng khoảng cách giàu - nghèo lại càng ngày càng gia tăng. Chính điều này đã vô hình chung gây ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt về học tập, thi cử, công việc… trong xã hội Nhật Bản, và những người bị bỏ rơi trong cuộc cạnh tranh này chính là các NEETs.

 

 

4. Hậu quả

 

Các NEETs có xu hướng ngày càng trẻ hóa và lan rộng ra khắp các độ tuổi. Những người này không có việc làm, không có đóng góp cho xã hội, thậm chí còn không lập gia đình. Điều này gây ra áp lực không nhỏ lên nền kinh tế nước này, khi mà dân số đang có xu hướng già đi, tiền trợ cấp thất nghiệp và chế độ phúc lợi xã hội cho người già tăng chóng mặt, trong khi lực lượng lao động trẻ lại không đủ, dẫn tới trì trệ về kinh tế.

 

dân số già

 

Nếu tình trạng này tiếp tục trở nên trầm trọng hơn, các nước sẽ phải đối mặt với những vấn đề xã hội như tội phạm, biến thái hay tự tử…

 

II. Neet trong Anime/Manga và trong xã hội Nhật Bản

 

Hẳn các mọt phim Anime cũng đã rất quen với hình ảnh các NEETs trên màn hình.

Trong phim, họ là những người tuy sống ẩn dật nhưng lại có năng lực phi thường hay trí tuệ siêu nhiên, và bằng cách nào đó họ buộc phải sử dụng những điều ấy để giúp đỡ người xung quanh hay thậm chí giải cứu thế giới. Nghe thì có vẻ thật ngầu đúng không?

 

neet trong anime

 

Tuy nhiên trên thực tế, với người Nhật, NEETs là những người suốt ngày cắm mặt vào thế giới ảo như game, anime. Họ có thể vẫn đi học, đi làm, tuy nhiên phần lớn thời gian họ dành để chơi game và cách ly với xã hội bên ngoài.

Cũng có một số không nhỏ những người do không xin được việc nên sinh ra chán nản, tự ti từ đó dần trở thành kẻ ăn bám xã hội. Một số còn lại vì gia đình có điều kiện nên họ tự mình rời xa xã hội.

Sau khi thức dậy vào buổi trưa, các NEETs sẽ dành hầu hết thời gian để xem Anime, chơi trò chơi điện tử và ăn những bữa ăn sẵn được cha mẹ cung cấp.

 

 

III. Sự khác nhau giữa Otaku, Freeter, Hikikomori và NEET

 

1. Otaku 

 

otaku và neet khác nhau thế nào

 

Otaku (お宅)  là một từ lóng Tiếng Nhật, dùng để chỉ những người đam mê cuồng nhiệt một thứ gì đó.

Trước đây ở Nhật, cụm từ này mang hàm ý tiêu cực, dùng để chỉ những người phát cuồng một thứ gì đó đến mức thái quá, cuộc sống xung quanh chỉ quay quanh thứ đó và quên mất thế giới thật.

Hiện nay, thuật ngữ này đã được nhìn nhận một cách tích cực hơn, để chỉ những người say mê, cuồng nhiệt những điều mà họ yêu thích hay có thể gọi là các fan hâm mộ cuồng nhiệt.

Các Otaku chân chính vẫn đi học, đi làm bình thường. Ngoài giờ học, giờ làm thì họ dành hết thời gian vào sở thích riêng.

 

>>> Xem thêm bài viết: Khám phá thế giới Otaku - Otaku là tốt hay xấu?

 

 

2. Freeter

 

Freeters rơi vào độ tuổi thiếu niên cho đến giữa tuổi ba mươi. Là một hình thái của NEETs, Freeter đơn giản là những người không muốn làm việc công việc truyền thống. Thay vì cố gắng xây dựng một sự nghiệp ổn định khi đã tốt nghiệp, họ đi tìm những công việc bán thời gian lương thấp.

 

freeter

 

Một số Freeter là người bỏ ngang trung học, trở thành những gì một giáo viên gọi là “Singles Parasite” (ký sinh trùng đơn độc) sống dựa vào cha mẹ. Một số freeter chọn cách sống này vì họ có ước mơ không thực sự phù hợp với các chuẩn mực xã hội Nhật Bản về việc làm và nghề nghiệp. Ở phương diện nào đó, cũng có thể họ là những người coi trọng sự tự do và tận hưởng cuộc sống.

 

3. Hikikomori

 

Hikikomori là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài hơn sáu tháng, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình (người bị bệnh nặng gia đình người thân cũng không quan tâm).

Ban đầu, đối tượng tự cách ly với bạn bè và trường học, sau đó thu hút sự quan tâm của gia đình. Cuối cùng, hikikomori chấm dứt luôn cả quan hệ với chính gia đình và chìm đắm trong thế giới tươi đẹp của bản thân.

 

>>> Xem thêm bài viết: Hikikomori - Nỗi ám ảnh của xã hội hiện đại

 

hikikomori

 

Về cơ bản, cả 4 hiện tượng này, về một mức độ nào đó đều thể hiện sự trốn tránh với xã hội, thu mình vào thế giới riêng do chán ghét thực tại hay chỉ đơn giản là để thỏa mãn một sở thích nào đó.

 

Tuy nhiên, trong xã hội Nhật Bản, các hiện tượng này bị coi là không bình thường, số ít còn bị xa lánh. Những Otaku anime thường dành nhiều thời gian và tiền bạc để mua sắm đồ chơi và những sản phẩm liên quan đến nhân vật mình yêu thích, thậm chí cosplay lại nhân vật ấy và sống cuộc sống của họ.

Freeter thì khác. Do sự khủng hoảng về kinh tế, sự sụp đổ của các công ty mà những quan niệm truyền thống của người Nhật về làm việc trọn đời đã thay đổi. Những Freeter sống vật vờ nhờ trợ cấp xã hội, hoặc từ những nguồn thu nhập part-time không ổn định, hoàn toàn thờ ơ với sự nghiệp và thế giới thực, để theo đuổi những giấc mộng của riêng họ. Freeter không chỉ mô tả loại hình công việc mà còn thể hiện một lối sống. Các thanh niên làm nghề tự do chỉ làm việc vừa đủ nhưng lại vui chơi hết mức có thể, khi cạn tiền lại tính tiếp, dường như bỏ rơi tương lai.

Còn với Hikikomori, đây trở thành một căn bệnh của giới trẻ Nhật Bản. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ dần trở nên trầm cảm, tuyệt vọng, mất phương hướng. Thời gian ở ẩn càng lâu dài sẽ càng khó để tái hòa nhập cộng đồng, từ đó sinh ra nhiều vấn nạn lớn cho xã hội.

NEETs có nhiều đặc điểm giống như Hikikomori, và nó hoàn toàn có thể phát triển thành Hikikomori bất cứ lúc nào.

 

Dường như chỉ có một làn ranh giới mỏng manh giữa các hiện tượng trên. Nếu như không có sự quan tâm và giáo dục kỹ lưỡng của gia đình, sự giúp đỡ của bạn bè thì dù là Otaku, Freeter hay NEETs đều có thể trở thành một căn bệnh như Hikikomori.

 

IV. Làm sao để thoát khỏi NEET?

 

Hiện tượng này không tự nhiên được sinh ra, mà nó là kết quả của việc tâm lý bị chịu áp lực một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ gia đình và xã hội. Vì vậy mà đừng xa lánh hay bỏ mặc để những người xung quanh mình rơi vào tình trạng này. 

Ngay từ khi còn nhỏ, các bậc phụ huynh nên giáo dục con trẻ một cách toàn diện, tránh nuông chiều thái quá, gây ra tính ỷ lại. Trong giai đoạn trưởng thành, con cũng cần thiết phải có tính tự lập tuy nhiên như vậy không có nghĩa là để con tự quyết định mọi thứ. Hãy ở bên con, đồng hành và đưa cho con những lời khuyên bổ ích, hướng con đến nguồn năng lượng tích cực và những điều tốt đẹp. Đồng thời cũng không nên đặt áp lực quá nặng nề, cần phải phù hợp với năng lực, nhu cầu và sở thích của con.

 

thoát khỏi neet

 

Bản thân những người NEETs cũng cần nhận thức rõ vấn đề của mình, chia sẻ khó khăn với gia đình và bạn bè. Tránh những suy nghĩ tiêu cực làm nản chí, dễ từ bỏ. 

Để thế hệ trẻ không bị bỏ rơi lại phía sau trong công cuộc phát triển của thời đại, mỗi người cần phải trang bị cho mình những kỹ năng mềm, những kiến thức xã hội cần thiết giúp bản thân có thể sinh tồn trong xã hội đầy cạnh tranh khốc liệt.

 

V. Những bộ Anime/Manga Nhật Bản có nhân vật là NEET, Hikikomori, Otaku

 

1. Welcome to the NHK! 

 

anime welcome to the nhk

 

Phim xoay quanh nhân vật chính Satou Tatsuhiro 22 tuổi – một hikikomori. Cuộc sống của cậu tưởng chừng cứ nhàn nhã mà trôi đi bên trong căn phòng trọ bừa bộn cho đến một ngày, cậu gặp được cô gái kỳ lạ Nakahara Misaki – người tự nhận có thể chữa chứng hikikomori của cậu. Sau vài lần thuyết phục, Satou đã chấp nhận ký hợp đồng tham gia dự án của Misaki. Liệu người con gái thiên thần này có thể thay đổi số mệnh của Satou? Một điểm thú vị trong phim là ngoài vấn nạn hiki, người xem còn bắt gặp một số vấn đề nổi cộm trong xã hội Nhật Bản hiện đại như anime otaku, mọt game online, tự tử qua mạng… tất cả đều được các nhà làm phim khai thác một cách khá là hài hước nhưng cũng không kém phần “con người”.

 

 

 

2. Battle Programmer Shirase

 

Battle Programmer Shirase

Battle Programmer Shirase, còn được gọi là BPS, là một lập trình viên tự do với khả năng hacker siêu đẳng, nhưng anh không hack để kiếm tiền. Những gì BPS làm chắc chắn chỉ có những ai thích anh ta mới đánh giá cao. Tuy nhiên, thái độ của BPS chắc chắn không phù hợp với công việc mà anh ta được tuyển dụng. Với việc Vua Mỹ độc ác gây rắc rối trên mạng internet, Shirase bước vào cuộc phiêu lưu tìm ra chân tướng của Vua Mỹ, đem lại bình yên cho thế giới internet. Trong hành trình đó, BPS gặp gỡ và kết bạn được với rất nhiều người.

 

 

3. Danna ga Nani wo Itteiru Ka Wakaranai ken

 

Danna ga Nani wo Itteiru Ka Wakaranai ken

 

Bộ phim nói về cuộc sống hàng ngày của một nữ nhân viên văn phòng nghiêm túc, chăm chỉ tên là Kaoru và người chồng otaku của cô, Hajime, một người hoàn toàn chìm đắm trong hệ thống thông tin rộng lớn của thế giới ảo.

 

 

4. No Game No Life 

 

No Game No Life

Câu chuyện xoay quanh 2 anh em Sora và Shiro là người đã tạo ra một huyền thoại của thế giới ảo, một gamer được mệnh danh là “bất khả chiến bại”. Nhưng đằng sau hào quang trong thế giới ảo, 2 anh em họ lại là những NEET, những người “vô dụng” của xã hội. Một ngày nọ, họ được một người tự xưng là “Chúa” đưa tới một thế giới của ông ta, thế giới “Board World”, nơi mà mọi thứ đều được quyết định bằng các trò chơi, từ tính mạng con người cho đến biên giới quốc gia. Liệu 2 gamer mạnh nhất của nhân loại có tiếp tục tỏa sáng trong thế giới mà họ luôn mơ tới, và vươn tới đỉnh cao như họ luôn làm.

 

5. Btooom!

 

Btooom!

 

Câu chuyện xoay quanh Ryuta Sakamoto, một chàng trai lười biếng ở ngoài đời nhưng lại là cao thủ số 1 trong game online Btooom. Bỗng một hôm Ryuta tỉnh giấc và phát hiện mình đang gặp nguy hiểm, cậu đang ở trong chính trò chơi Btooom với một cuộc chiến sinh tồn.

 

 

6. Ano Hi Mita Hana no Namae wo Bokutachi wa Mada Shiranai

 

Ano Hi Mita Hana no Namae wo Bokutachi wa Mada Shiranai

 

Xoay quanh những con người từng là bạn thân thời thơ ấu, nhưng một biến cố xảy ra đã khiến họ phải xa rời nhau, để rồi dần thay đổi theo năm tháng. Và mùa hè ấy lại đến, với sự xuất hiện của một người bạn năm xưa cùng điều ước cao thượng của mình đã kết nối những con người ấy lại với nhau. Liệu tình bạn năm nào có được khôi phục? Họ có thể trở lại như trước kia hay không? Mời các bạn xem phim sẽ rõ!

 

7. Kamisama no Memochou 

 

Kamisama no Memochou

 

Câu chuyện xoay quanh một tổ chức thám tử nghiệp dư NEET được điều hành bởi Alice và phụ tá của cô, cậu học sinh cấp 3 năm nhất Narumi Fujishima – người chả bao giờ quan tâm tới trường lớp và bạn bè đến nỗi không biết tên ai cả. Trong suốt , Narumi cùng các thành viên của NEET sử dụng năng lực và trí tuệ của Alice để giải quyết bọn tội phạm.

 

8. Gabriel DropOut

 

Gabriel DropOut

 

Câu chuyện hài hước này kể về Gabriel White, cô nàng vừa mới tốt nghiệp với điểm số cao nhất lớp tại trường học dành cho thiên sứ và hiện đang theo học trường của con người để trau dồi thêm kiến thức. Nhưng ai ngờ đâu cô nàng lại bị cuốn vào một web game, và cảm thấy việc đi đây đi đó là quá rắc rối. Cô trở nên “ăn hại” hơn bao giờ hết, như là một “thiên thần sa ngã” vậy.

 

9. Genshiken Nidaime

 

Genshiken Nidaime

 

Bối cảnh phim diễn ra tại một trường đại học nổi tiếng thuộc thành phố Tokyo. Kanji Sasahara, một cậu học sinh hiện đang học tại trường đang phân vân về chính bản thân mình giữa 2 lựa chọn, một là đăng ký tham gia vào câu lạc bộ Otaku và hai là để bản thân tự do không phụ thuộc vào bất cứ câu lạc bộ nào. Một lần tình cờ, cậu quen Kousaka, một cô gái cực kì dễ thương và đáng yêu. Có một điều lạ là không hiểu vì lý do gì cô lại ghét những ai thuộc câu lạc bộ Otaku (mặc dù người yêu của cô chính là thành viên của otaku). Và bắt đầu từ đây, giữa Sasahara và cô gái Kousaka đã có một cái gì đó rất lạ và bọn họ cùng nhau đăng ký tham gia vào một câu lạc bộ khác mang tên Genshiken. 

 

10. Neet - chan to onii chan

Ngoài Anime thì gần đây, có một bộ truyện tranh rất nổi tiếng liên quan đến vấn đề này, đó là Neet - chan :

Nono là 1 NEET, người vẫn luôn sống trong tổ kén của chính mình và vui vẻ với những sở thích riêng thi nay, cô  chuẩn bị phải đối phó với sự xuất hiện của một tên đáng ghét được gọi là “Onii-chan”, Yachiyo, một tên mắc bệnh Sister complex (chứng cuồng em gái). Liệu cuộc gặp gỡ này có phải là nghiệt duyên, hay đây chính là cơ hội để Nono bước ra thế giới thật ?

 

Neet - chan to onii chan

 

Bạn hãy thử tìm list phim và truyện mà chúng tớ giới thiệu, vừa xem phim vừa học tiếng Nhật nhé!

 

Hy vọng ở bài viết này, Sách 100 đã đem đến cho bạn nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa - xã hội Nhật Bản, đưa bạn đến gần hơn với vùng đất mơ ước nhé!

 

Chúc các bạn học tốt và giữ gìn sức khỏe nhé!


🎁 CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT "KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT" 

🎁 TÀI LIỆU TIẾNG NHẬT FREE

>>> Hướng dẫn giới thiệu bản thân bằng tiếng Nhật (bản chi tiết)

>>> Trọn bộ từ vựng tiếng Nhật theo chủ đề (PDF)


>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100 <<<

🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày

🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k

🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)

 

5

(1 đánh giá)

Để lại bình luận

Để lại bình luận