TRUYỆN MA NHẬT BẢN CÓ GÌ ĐẶC SẮC? – Sách 100

TRUYỆN MA NHẬT BẢN CÓ GÌ ĐẶC SẮC?

Ngày đăng: 16/06/2022 - Người đăng: Mai Quang Lợi

TRUYỆN MA NHẬT BẢN

 

 

Ma quỷ ở đâu cũng có, cớ sao ở Nhật Bản lại đặc biệt?

Nhật Bản - quốc gia có có rất nhiều truyền thuyết tâm linh rùng rợn, truyện ma có thật ám ảnh người nghe. Nhiều người Nhật đến nay vẫn tin vào ma quỷ, bởi theo họ chúng “có thật” theo nghĩa chúng chiếm một vị trí trong văn chương gọi là "văn hóa yurei".

Trong tiếng Nhật, yurei có nghĩa là "ma", được dùng để chỉ linh hồn của người chết không thể hoặc không muốn rũ bỏ sợi dây vướng bận với trần gian. Yurei có những cảm xúc phẫn nộ, bi thương, hi sinh, thù hận. Hay đơn giản chỉ là niềm tin mình vẫn còn sống…

 

Để Sách 100 kể bạn nghe truyện ma Nhật Bản nhé!

 

 

Truyện ma Nhật Bản

 

1. Hồn ma nữ nhạc sĩ mù (Goze no Yurei)

Câu chuyện ma quái trả thù đẫm máu diễn ra trong thời đại Kyoho (1716-1736). Một samurai tên là Hotsumi Kanji ghé vào một quán trọ ven đường trên đường đi thực hiện nhiệm vụ ở Edo.

Đột nhiên, chàng bỗng nghe một giọng hát tuyệt vời phát ra từ một trong các phòng của quán trọ, đó là giọng hát của một goze - người phụ nữ mù đi khắp nước biểu diễn kiếm sống với đàn shamisen.

 

 

Nghĩ rằng chắc chắn một giọng hát tuyệt vời phải gắn liền với một cơ thể đẹp tương xứng, Hotsumi quyết định chiếm đoạt người phụ nữ. Sau khi tìm ra phòng của cô, chàng giấu mình trong bóng tối để chờ đợi cơ hội. Khi goze trở về, Hotsumi liền chiếm đoạt cô, nhưng lạ thay người phụ nữ này không kháng cự một chút nào dù là ít nhất.

 

Sáng hôm sau, Hotsumi bị sốc khi phát hiện ra người phụ nữ có giọng hát tuyệt vời như vậy lại có bộ mặt quá xấu xí. Cô nhìn anh tươi cười, nụ cười hạnh phúc thuần khiết, nghĩ rằng cuối cùng mình đã tìm thấy tình yêu. 

 

Sau đó Hotsumi đưa người phụ nữ này đi cùng mình đến Edo. Trên một con đường núi vắng vẻ, chàng ta đẩy người phụ nữ mù xấu xí xuống khe núi, giết chết cô. Nghĩ rằng đã giải quyết được vấn đề, Hotsumi tiếp tục công việc của mình và hoàn toàn quên bẵng vụ việc.

 

Năm sau, Hotsumi lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở Edo, trên đường đi Hotsumi dừng chân nghỉ tại một ngôi đền nhỏ trên núi để qua đêm. Đêm đó, hồn ma của goze xuất hiện trước mặt chàng và nói:

"Chàng đã quên mùa Thu qua rồi phải không? Chàng chơi ta rồi ném ta đi khi đã thỏa mãn. Ta không có mắt, nhưng bây giờ ta nhìn rất rõ lòng dạ chàng".

 

Goze chụp lấy hai chân của Hotsumi và kéo mạnh ra khỏi giường. Chàng ta cố vùng vẫy để mong thoát khỏi cô nhưng không thể bì với sức mạnh của cơn thịnh nộ trong cô. Hotsumi thấy mình bị kéo lê vào nghĩa trang của ngôi đền. Dừng lại trước một ngôi mộ, goze cười nhếch mép, sau đó ôm Hotsumi và đẩy mạnh xuống lòng đất.

 

Các nhà sư trong chùa nghe tiếng động và chạy đến xem những gì xảy ra. Họ đi theo còn đường mòn đến nghĩa địa. Sau khi lấy xẻng đào đất, họ nhanh chóng phát hiện thi thể của Hotsumi đang bị bao bọc bởi bộ xương của một người phụ nữ. Đúng là định mệnh, Hotsumi đã chọn đúng ngôi đền nơi thi thể của goze được chôn cất sau khi được tìm thấy dưới khe núi…

 

2. Ma đói (Hidarugami)

Hidarugami là linh hồn của những người chết đói lang thang trên núi. Bởi vì họ chết cô độc nên không có bất kỳ mộ bia hoặc lễ tưởng niệm nào, linh hồn của họ trở nên xấu xa và tìm cách bắt người khác phải chia sẻ sự đau khổ của họ.

 

Những con ma đói hầu như chỉ xuất hiện ở những con đường mòn trên núi. Lữ khách khi gặp phải Hidarugami đột nhiên bị đói vô cùng, mệt mỏi và tê tay tê chân. Hidarugami nhập vào cơ thể nạn nhân. Nếu không có biện pháp đối phó kịp thời, Hidarugami có thể gây tử vong - chết đói thật sự dù cơ thể của người bị nhập có khỏe mạnh thế nào đi nữa. Khi đó, nạn nhân sẽ lại trở thành một Hidarugami khác. 

Cách thức trục xuất Hidarugami tương đối đơn giản, cần có sự chuẩn bị. Bạn chỉ cần một mẩu thức ăn nhỏ (gạo hoặc ngũ cốc) là có thể ngăn chặn cuộc tấn công, và cái đói sẽ rời đi nhanh như nó đã phát sinh bởi Hidarugami. Đó là lý do tại sao mà kể cả thời nay, những người lữ khách được khuyên không nên đi sâu vào các ngọn núi mà không mang theo vài nắm cơm hoặc cơm hộp để ăn. Và nếu có mang theo cũng không được ăn hết sạch, luôn luôn để lại một phần dự phòng.

 

 

Những hướng dẫn du lịch cổ xưa của người Nhật đầy rẫy những mẩu chuyện về Hidarugami. 

Năm 1736, một người đàn ông tên Senkichi đã được tìm thấy trong tình trạng kiệt sức và bất tỉnh trên đường núi. Ông thậm chí không thể nói chuyện, được đặt lên xe bò và chở về thị trấn để dưỡng sức và phục hồi. 

Một câu chuyện điển hình khác kể về một thương gia đi qua đèo Noborito hướng về Onohara. Chỉ vài giờ sau khi kết thúc bữa ăn trưa của mình, ông bị cảm giác đói như sắp chết, phải đấu tranh để lết đến một ngôi chùa gần đó. 

 

3. Cây Cầu Đong Đưa (Gata Gata Bashi)

Trong ngôi làng Ozaka ở tỉnh Hida (tỉnh Gifu ngày nay) có một người đàn ông tên là Kane'emon sống cùng gia đình. Ở phía trước nhà của ông có một cây cầu treo bằng gỗ cũ kỹ bắt ngang một thung lũng núi dẫn đến ngôi làng lân cận.

 

Một đêm nọ, Kane'emon bỗng nghe âm thanh lọc cọc đặc trưng của cây cầu cùng những tiếng nói thì thầm khi có ai đó đang đi qua. Qua cầu vào ban đêm là một việc cực kỳ nguy hiểm nên Kane'emon vội vã ra khỏi nhà để cảnh báo. 

 

Ấy thế mà kỳ lạ thật! Ông chẳng thấy một ai.

 

Chuyện này tiếp diễn hàng đêm, luôn luôn là tiếng đong đưa lọc cọc của cây cầu và những lời thì thầm. Thậm chí là cả những lời than vãn và tiếng kêu khóc buồn bã.

 

 

Không biết nên làm thế nào, Kane'emon đến gặp thầy bói để xin giúp đỡ. Thầy bói cho ông biết âm thanh đó chính là cuộc diễu hành của những người chết trên đường đến Tachiyama ( tỉnh Toyama ngày nay). Ở Tachiyama được cho là có nhiều lối dẫn xuống địa ngục, và những mojya (người chết) gần đây đã phát hiện ra cây cầu như là con đường thích hợp.

 

Nghe vậy, Kane'emon quyết định chuyển toàn bộ gia đình mình đến một nơi cách xa cây cầu, đồng thời sắp xếp nhờ thầy cử hành một lễ tưởng niệm ngay tại cây cầu, cầu xin giảm bớt bản án cho những linh hồn đang bị đày đọa xuống địa ngục. 

Từ thời điểm đó, không còn nghe những âm thanh lạ nữa. Tuy nhiên, cây cầu đó vẫn lưu danh đến ngày nay với tên gọi Gatagata Bashi, nghĩa là Cây cầu đong đưa.

 
 
 

Truyện ma truyền thuyết đô thị Nhật Bản

 

Truyền thuyết đô thị Nhật Bản (日本の都市伝説 – Nihon no toshi densetsu) là những câu chuyện kinh dị, kỳ quái được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng trên khắp Nhật Bản. Nguồn gốc của truyện ma đô thị nhật bản thường mơ hồ❀ không rõ hoặc biến thiên từ câu chuyện có thật. Có nhiều thể loại truyện ma truyền thuyết đô thị nhật bản khác nhau: hài hước, siêu nhiên, kinh dị… 

Lần này, Sách 100 sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện ma đô thị nhật bản kinh dị rợn tóc gáy nhé~

 

1. Kuchisake Onna – Người phụ nữ bị rạch miệng

Kuchisake Onna (口裂け女 – Khẩu Liệt Nữ) là một trong những truyền thuyết đô thị Nhật Bản nổi tiếng nhất mọi thời đại.Truyền thuyết về người phụ nữ đáng sợ này được cho là có thật từ thời Heian. Chuyện kể rằng, Kuchisake Onna sở hữu một vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, được một Samurai quyền quý cưới làm vợ.

 

Tuy nhiên, người phụ nữ này lại rất kiêu căng, phóng đãng, thường xuyên tư tình với người đàn ông khác bên ngoài. Biết được việc này, vị samurai đã nổi cơn thịnh nộ, dùng kiếm rạch toác miệng cô ả đến tận mang tai. Và thét lên rằng: “Giờ thì còn thằng khốn nào khen cô xinh đẹp nữa không?”

 

Sau khi chết đi, linh hồn oán hận của người phụ nữ này lang thang khắp mọi nơi với cái miệng rộng toác kinh dị. Một số dị bản khác kể rằng, Kuchisake Onna tiếp cận người qua đường và đơn giản là ăn thịt luôn người đó. Hoặc nếu ả chạm vào vai bạn, khi bạn quay lại, ả sẽ chém luôn vào cổ họng bạn.

 

 

2. Hanako Chan – Cô gái trong nhà vệ sinh

Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự xuất hiện của Hanako Chan. Người thì nói rằng cô bé chết trong đợt thả bom của Mỹ. Người thì kể rằng cô bé bị mắc kẹt trong buồng vệ sinh khi trường học xảy ra hỏa hoạn. 

Hanako là một bé gái có mái tóc ngắn tới cằm và ôm sát khuôn mặt, làn da tái nhợt như xác chết và mặc một chiếc váy màu đỏ máu. Chuyện kể về hồn ma một cô gái trẻ ám trong nhà vệ sinh trường học. Nơi cô ở là buồng vệ sinh số 3, toilet nữ tầng 3 ở trường học. Và cô sẽ ám bất cứ ai bén mảng đến gian phòng cô ở và gọi tên cô.

 

 

Nếu muốn gặp Hanako chan, bạn hãy đến buồng vệ sinh số 3 tính từ của vào, ở tầng 3. 

Sau đó gõ cửa 3 lần và gọi vang: “Bạn Hanako, bạn Hanako, bạn có ở đó không?” (Anata wa, Hanako san, ga arimasu). Nếu có tiếng ai đáp lại “Mình có ở đây” (Watashi wa koko ni iru yo) thì bạn hãy chạy thục mạng đi nhé =))

 

Nếu bạn cả gan dám tiến tới và mở cửa buồng vệ sinh ra để gặp Hanako thì một trong những trường hợp này sẽ xảy ra:

  • Sau khi bạn bước vào trong, cánh cửa sẽ tự động đóng sầm lại, giam bạn bên trong. Bạn sẽ không còn cách nào mở ra được nữa.

  • Bạn sẽ loáng thoáng thấy được bóng dáng ghê rợn của cô bé. Điều ám sẽ ám ảnh bạn không dám đi vệ sinh ở trường học đến cuối đời.

  • Bạn sẽ bị lôi xuống bồn cầu, tới một nơi không ai biết. Và biến mất không dấu vết.

 

3. Teke Teke – Hồn ma với nửa thân trên

Teke Teke  (テケテケ) là một hồn ma xuất hiện trong các truyền thuyết đô thị nổi tiếng khắp Nhật Bản. Teke Teke được mô tả là hồn ma của một người phụ nữ bị ngã chết trên đường sắt nên không có phần thân dưới và di chuyển bằng hai tay, thường ẩn nấp quanh các khu vực đô thị và nhà ga vào ban đêm. 

Vì không còn chi dưới, hồn ma này di chuyển bằng cả hai tay hoặc khuỷu tay, kéo phần thân trên của mình và tạo ra một âm thanh tương tự tiếng "teke teke". 

 

 

Không ai biết được chính xác thời điểm Teke Teke xuất hiện. Ở mỗi nơi, câu chuyện về Teke Teke được kể lại khác nhau.

 

Có một số dị bản, kể rằng linh hồn đó là Kashima Reiko. Cô bị hãm hiếp và đánh đập, vứt bỏ ở nơi hoang vắng. Trong lúc cô gắng sức bò đi tìm người cứu giúp. Không may là lúc bò đến đường ray, đoàn tàu chạy qua và cắt đứt lìa hai chân cô.

 

Kể từ đó hồn ma đáng thương Kashima Reiko lang thang khắp nơi để tìm đôi chân bị mất của mình. Hồn ma không chân này thường xuất hiện ở các phòng tắm, quanh các khu vực đô thị hoặc nhà ga. Cô ta đi tìm người hỏi xem có ai thấy chân của cô ở đâu không. Nếu họ không trả lời được, cô sẽ xé đứt chân họ lìa khỏi người.

 

Nếu bạn bị cô nàng dí theo và hỏi: “Chân của ta đâu?”, cách thoát khỏi Kashima Reiko là trả lời rằng “Ở trên đường cao tốc Meishin.” Cô ta sẽ hỏi bạn tiếp: “Sao ngươi lại biết?”, khi đó bạn hãy nói ra cụm từ “Kamen shinin ma” – “mặt nạ quỷ chết”.

Mọi người nhớ hạn chế đi vào các con hẻm tối một mình nhé!

Ba truyện ma Nhật Bản được chuyển thể thành phim kinh dị

 

1. Truyền thuyết Okiku - The Ring

The Ring là một bộ phim được remake từ tiểu thuyết của nhà văn Koji Suzuki. Sadako - ma nữ gây ám ảnh có một câu chuyện buồn đằng sau. Cô bé có khả năng đặc biệt, có thể biến những bức ảnh trở thành phim chỉ bằng tâm trí của mình. Kết cục của Sadako là bị ném xuống giếng. Tức giận và chìm đắm trong thù hận, Sadako sử dụng năng lực của mình để tạo ra một cuộn băng VHS và cũng là lời nguyền kinh điển: bất kì ai xem vào cũng sẽ chết sau 7 ngày nếu không cho người khác xem.

 

 

Bên cạnh đó, truyền thuyết cổ xưa của Nhật Bản từ thế kỷ 18 kể về Okiku - hồn ma một người phụ nữ đã bị ném xác xuống giếng cũng là nguồn cảm hứng cho nội dung của Ringu. Hằng đêm, người phụ nữ đó đều trèo lên khỏi giếng và đi ám người khác.

 

2. Hồn ma Kayako - Ju-On 

Phim kinh dị Ju-On: The Grudge được thực hiện dựa trên truyền thuyết đô thị về Kayako. Cô gái trẻ  kết hôn và có một đứa con trai. Tuy nhiên một ngày nọ, chồng của Kayako đọc được nhật ký của cô và nghĩ oan cho rằng cô rằng cô đã ngoại tình. Trong lúc bộc phát cơn tức giận, hắn ta đã đánh Kayako tới chết. Sau đó, gã đàn ông ấy còn giết luôn cả đứa con trai.

 

 

Theo truyền thuyết, linh hồn của Kayako không thể siêu thoát mà trở thành một hồn ma mang thù hận khủng khiếp. 

 

3. "Người đàn bà tuyết" - Kwaidan

Trong bộ phim Kwaidan kể 4 câu chuyện riêng biệt dựa trên 4 truyền thuyết ma quỷ của Nhật Bản. 

Tiêu biểu nhất là câu chuyện về người đàn bà tuyết.

 

Câu chuyện 1: 

“Mái tóc đen” kể về một tên võ sĩ Samurai rời bỏ rơi người vợ của mình ở quê để tìm kiếm chức tước và vinh hoa trong một cuộc hôn nhân mới. Người vợ hai xấu tính khiến chàng đâm ra nhớ thương người vợ cả, anh ta đã về quê tìm lại vợ cũ. 

Anh ta bước vào nhà và thấy người vợ đang chờ mình, anh ta thề với vợ sẽ mãi mãi sống bên nhau, không bao giờ chia lìa. Sau đó anh ta ôm choàng lấy cô cho đến khi chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, anh ta tỉnh dậy và phát hiện thay vì ôm vợ thì mình đang ôm một cái xác khô, chỉ còn chút thịt dính vào bộ xương bọc trong mái tóc đen dài. Thì ra người vợ bị bội bạc đã chết, vì không có người chăm sóc cũng như lo liệu đám tang nên thi thể của cô vẫn còn nằm đó.

 

Câu chuyện 2: 

“Nàng tuyết” nói về một yêu nữ dùng hơi thở băng giá của mình để giết chết bất cứ ai nàng đụng độ. Nhưng một lần, nàng đã mủi lòng tha mạng cho một người tiều phu trẻ đẹp với điều kiện anh ta phải giữ bí mật về cuộc gặp gỡ. Nếu tiết lộ, anh ta sẽ phải trả giá bằng tính mạng mình.

Sau đó, anh ta cưới vợ và có con nhỏ. Một ngày khi anh nhìn vào vợ, anh chợt nhớ ra đêm kinh hoàng với con quỷ mặc đồ trắng. Vì vậy, anh đã kể mọi chuyện cho vợ nghe. Ngay lập tức, cô vợ trở nên cáu bẳn và tức giận. Hóa ra, cô vợ chính là nàng yêu quái Yuki Onna đó. Cô không giết anh ta vì thương những đứa con, nhưng cũng bỏ đi không bao giờ quay lại.

 

 

Câu chuyện 3: 

“Hoichi cụt tai” kể lại giai thoại về Hoichi – một nhạc sư mù sống nhờ cửa chùa, có khả năng chơi đàn biwa điêu luyện. Tương truyền, chàng hát khúc “Trận thủy chiến Dan-no-Ura” thì bi tráng đến mức quỷ thần cũng phải nhỏ lệ. Tài của Hoichi gây rắc rối cho Hoichi, khi hàng đêm chàng bị một võ sĩ nào đó bắt đi đánh đàn ở một gia tộc danh giá nào đó. Võ sĩ này cũng buộc Hoichi phải giữ bí mật, cho đến khi sư cụ lo lắng và phái người bám theo Hoichi để tìm hiểu chân tướng sự việc.

 

Câu chuyện 4:

 “Trong chén trà” là câu chuyện bị bỏ dở về một võ sĩ nhìn thấy một hồn ma trong chén trà và uống nó vào bụng. 

 

***

Bài viết đến đây là hết. Sách 100 hi vọng có thể cung cấp nhiều thông tin, chủ đề thú vị hơn nữa cho bạn trong tương lai~~

💖

 

Để lại bình luận

Để lại bình luận