CÁCH ĐĂNG KÝ ĐIỆN THOẠI Ở NHẬT – Sách 100

CÁCH ĐĂNG KÝ ĐIỆN THOẠI Ở NHẬT

Ngày đăng: 05/05/2022 - Người đăng: Đinh Hoa

TẤT TẦN TẬT THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN ĐĂNG KÝ ĐIỆN THOẠI Ở NHẬT

 
 

 

 

Đăng ký điện thoại là một việc vô cùng quan trọng ngay khi bạn mới qua Nhật để có thể liên lạc và truy cập Internet,...Ở Việt Nam thì việc mua điện thoại và sim số vô cùng dễ dàng, không phải đăng ký chính chủ thuê bao nhưng vẫn hoạt động bình thường được. Trái lại, ở Nhật bạn chỉ được dùng 1 số điện thoại với thông tin của bạn mà thôi. 

Vì thế mà khi đặt chân đến đất nước mặt trời mọc, sau khi hoàn thành thủ tục thì việc đầu tiên bạn phải nghĩ tới đó là sắm cho mình một chiếc điện thoại và một thuê bao di động.

Bài viết này Sách 100 sẽ giới thiệu đến bạn cách đăng ký điện thoại ở Nhật nhé!

 

 

 

Đăng ký điện thoại ở Nhật

 

Nếu ở Việt Nam bạn có thể dễ dàng mua được một sim điện thoại và sử dụng được ngay thì tại Nhật lại khác biệt hoàn toàn. Các nhà mạng của Nhật đều không cho đăng ký sim trả trước mà chỉ cho người dùng dùng sim trả sau để đảm bảo độ chính xác về thông tin người dùng, tránh tin nhắn rác và đồng thời bảo vệ lợi ích của nhà mạng.

 

 

Với những người có khả năng tài chính tốt, đa số đều chọn sang Nhật mua điện thoại và sim luôn. Còn đối với những người có tài chính không dư giả lắm thì họ sẽ chọn việc mang điện thoại từ Việt Nam sang Nhật và phải làm điện thoại phiên bản quốc tế và mua sim điện thoại Nhật Bản để xài.

 

 

Điều kiện để đăng ký điện thoại ở Nhật

 

 

☛🌸Độ tuổi đủ điều kiện: 20 tuổi trở lên

Ở Nhật thì phải >20 tuổi mới được xem là tuổi trưởng thành và và có thể đăng ký và làm các loại hợp đồng. Dưới 20 tuổi thì cần phải có người bảo hộ cho. Tuy nhiên, hầu hết những bạn học sinh Việt Nam sang Nhật du học hoặc làm việc tại đây thường trong độ tuổi tầm 18, 19 tuổi. Vì vậy mà những bạn này sẽ phải nhờ người quen  đứng tên điện thoại cho, hoặc nhờ một người nào đó làm người bảo hộ cho mình (giáo viên, senpai…)

 

☛Thời hạn visa: ít nhất 2 năm

Trong một hợp đồng điện thoại thường bao gồm tiền mạng, tiền trả góp 24 tháng tiền máy điện thoại ở một nhà mạng lớn (tại Nhật là 3 nhà mạng Docomo, AU và Softbank) và thường kéo dài 24 tháng, do đó bạn cần visa ít nhất 2 năm mới có thể hoàn thành hợp đồng. Nếu visa của bạn dưới 2 năm thì việc ký hợp đồng điện thoại khá khó, trừ trường hợp bạn trả đứt tiền máy vào lúc đăng ký thì có khả năng bạn sẽ được ký hợp đồng 1 năm. 

 

☛Cần có thẻ credit card

Thẻ credit card ở Nhật thường có thời hạn là 4~5 năm và phải thông qua thẩm tra tín dụng thì mới được có thể làm. Các nhà mạng thường yêu cầu thêm điều kiện để ký hợp đồng là phải có credit card của ngân hàng trong nước Nhật để đảm bảo an toàn thanh toán.

 
 
 

Cách đăng ký điện thoại ở Nhật

 

✿ Đối với người nước ngoài ở Nhật, bạn cần những giấy tờ sau:

☛ Hộ chiếu

☛ Thẻ ngoại kiều (thẻ lưu trú, đây là tấm thẻ cứng bạn được cấp ở sân bay khi nhập cảnh)

☛ Thẻ tín dụng hoặc thẻ ATM (nhà mạng sẽ trừ tiền tự động vào thẻ của bạn hàng tháng)

☛Thẻ học sinh (nếu là du học sinh)

Lưu ý:

  • Nếu bạn chưa có thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, bạn có thể đăng ký trả bằng tiền mặt, hàng tháng hóa đơn sẽ được gửi đến nhà bạn và bạn phải ra đại lý nhà mạng hoặc combini (cửa hàng tiện lợi) gần nhất để trả tiền. 

  • Để tránh mất tiền oan cho những dịch vụ không dùng tới, nếu tiếng Nhật của bạn không tốt thì hãy nhờ một người bạn giỏi tiếng Nhật đi cùng để bạn không bị các nhà mạng đăng ký những dịch vụ khác (do nhiều trường hợp người ta nói không hiểu mà cứ theo phản xạ trả lời là “はい” ^^!)

 

✿Từ vựng đăng ký điện thoại ở nhật

 

 

❖携帯電話 (けいたいでんわ) : Điện thoại di động.

 

❖ スマホ (Smart Phone): Điện thoại thông minh.

 

❖ 端末 (たんまつ) : Loại máy.

 

❖ 契約 (けいやく) : Hợp đồng.

 

❖ 乗り換え(のりかえる):Chuyển nhà mạng. Đổi từ mạng A sang B: A社からB社に乗り換える。

 

❖ 解約する (かいやく) : Hủy hợp đồng với nhà mạng.

 

❖ MNPコード ( Mobile Number Portability ) : Mã số MNP(MNP (Mobile Number Portability là dịch vụ của nhà mạng cho phép các thuê bao di động chuyển đổi mạng cung cấp dịch vụ mà vẫn giữ được số điện thoại hiện tại của mình.)

Ở Nhật Bản nếu bạn muốn chuyển sang nhà mạng mới mà hợp đồng với nhà mạng bạn đang dùng vẫn còn thời hạn thì bạn phải trả phí phạt hủy hợp đồng. Vì thế bạn nên cân nhắc chuyển mạng giữ nguyên số MNP khi kết thúc hợp đồng với nhà mạng đang dùng, hoặc vào thời điểm nhà mạng khác có khuyến mãi lớn để bù đắp khoản tiền phạt phải trả ở trên.

 

❖ 無料の携帯電話 (むりょうのけいたいでんわ) : Miễn phí tiền máy điện thoại.

 

❖ 機種変更 (きしゅへんこう) : Đối máy, nâng cấp máy hiện tại lên máy mới.

 

❖ 端末保険 (たんまつほけん) : Bảo hiểm cho máy điện thoại.

 

❖ 料金プラン (りょうきん プラン) : Tiền gói cước sử dụng.

 

❖ レンタル ( Rental ) : Thuê wifi hoặc mạng internet.

 

❖ 電話かけ放題(でんわかけほうだい): Nghe gọi thoải mái không mất tiền.

 

❖ プリペイドのシム ( Prepaid Sim ) : Sim trả trước giống như sim Viettel hay Mobi ở Việt Nam.

 

❖ 格安SIM (かくやす SIM) : Sim giá rẻ.

 

❖ 格安スマホ (かくやす スマホ) : Điện thoại giá rẻ.

 

❖ APN設定 (APN せってい) : Cài đặt APN.(Access Point Name là tên của các cài đặt để đảm bảo xác nhận đúng địa chỉ IP được thiết lập trên điện thoại của bạn, kết nối tới cổng giữa mạng di động của nhà cung cấp và Internet.)

Đối với IOS thì cần phải kết nối wifi để dowload APN.

Đối với Android thì chỉ cần nhập địa chỉ APN là được.

 

❖ SIMカード  ( SIM Card ) : Thẻ sim

 

❖ SIMフリー ( SIM Free ) : Sim có thể dùng được các loại máy khác nhau.

 

❖ SIMロック : Sim bị khóa chỉ dùng được ở Nhật hay các nhà mạng bán máy cho bạn.

 

❖ SIMロック解除 (SIM ロック かいじょ) : Mở khóa (unlock) sim lên quốc tế.

 

❖ 月額料金 (げつがく りょうきん) : Tiền cước phí hàng tháng.

 

❖ 本体料金 (ほんたい りょうきん) : Tiền máy điện thoại.

 

❖ 一括支払い (いっかつ しはらい) : Thanh toán 1 lần.

 

❖ 分割払い (ぶんかつ はらい) : Thanh toán trả góp.

 

❖ 支払い方法 (しはらい ほうほう) : Hình thức thanh toán tiền cước.

 

❖ クレジットカード (Credit Card) : Thanh toán bằng thẻ tín dụng.

 

❖ 口座振替 (こうざ ふりかえ) : Thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng.

 

❖ 解約料金 (かいやく りょうきん) : Tiền phạt khi hủy hợp đồng.

 

❖ 特典 (とくてん) : Ưu đãi đặc biệt.

 

❖ キャンペーン (Campaign) : Khuyến mãi.

 

❖ キャッシュバック (Cash back) : Tặng tiền mặt.

 

❖ 料金割引 (りょうきん わりびき) : Giảm tiền cước hàng tháng. 

 

❖ 学割 (がくわり) : Giảm giá cho học sinh.

 
 
 

Lừa đảo đăng ký điện thoại ở Nhật

 

☛ Tình huống thường gặp: Lúc mới sang Nhật, nhiều bạn chưa quen nên chưa thể tìm được việc làm thêm và nhờ người giới thiệu việc làm chẳng hạn. Người kia sẽ yêu cầu đưa cho họ một số giấy tờ như Thẻ ngoại kiểu, thẻ học sinh,...và một số thông tin cá nhân để đi đăng ký điện thoại mà bạn không hề biết cho đến khi có giấy báo đóng tiền gửi về nhà. 

Đã có rất nhiều người bị lừa như thế này và số tiền phải trả hàng tháng sẽ từ vài man đến vài chục man, mà kể cả có ra nhà mạng cắt dịch vụ đi thì cũng mất nhiều tiền vì phải trả tiền máy và trả tiền hủy hợp đồng. Vì vậy mọi người phải hết sức cảnh giác với giấy tờ của mình.

 

 

Do đó khi đi đăng ký điện thoại, đăng ký số điện thoại ở Nhật Bản thì: 

- Tuyệt đối KHÔNG đưa thông tin cá nhân cho người khác, đặc biệt là thẻ cư trú, thẻ học sinh, thông tin tài khoản ngân hàng (thẻ ngân hàng, sổ ngân hàng).

- Nên đi với người mà bạn tin tưởng để dịch tiếng hộ bạn nếu như tiếng của bạn không tốt. Và đồng thời cũng không nên giao hết toàn bộ thông tin cá nhân cho người đó.

- Khi đăng ký, các nhân viên nhà mạng sẽ giới thiệu cho bạn nhiều dịch vụ khác nhau. Thường là những dịch vụ tháng đầu miễn phí và tính phí kể từ tháng sau. Vì vậy bạn nên cẩn thận khi trao đổi về những gói dịch vụ khi đăng ký điện thoại ở Nhật nhé. 

- Đối với những bạn mang máy từ Việt Nam sang khi muốn đăng ký sim lẻ ở các nhà mạng nhỏ, bạn cần phải chú ý xem là loại máy của bạn có thể sử dụng sim này được không. Nhiều trường hợp sim không phù hợp với loại máy nên mua sim về rồi mà vẫn không thể dùng được và mất tiền oan.

 - Đối với các nhà mạng lớn và hợp đồng điện thoại ký trong hai năm, nếu bạn không huỷ hợp đồng thì cứ hết hạn các nhà mạng sẽ tự động gia hạn thêm hai năm nữa. Chỉ khi hủy hợp đồng vào tháng thứ 24 -25 thì mới không bị tốn phí huỷ hợp đồng. Còn nếu bạn chưa dùng hết hợp đồng mà hủy, bạn sẽ phải trả rất nhiều tiền phí huỷ hợp đồng cộng thêm các tiền dịch vụ khác. 

 
 

Mua điện thoại ở Nhật gửi về Việt Nam

 

Nhiều bạn thắc mắc rằng liệu mua điện thoại ở nhật có rẻ không nhỉ? Nó sẽ rẻ nếu như bạn mua đúng thời điểm.

🌸Vậy khi nào là thời điểm vàng để mua đây?

Tháng 4 và tháng 10 là hai tháng mà bạn nên mua điện thoại. Đặc biệt, tháng 4 là khoảng thời gian tốt nhất để sắm cho mình chiếc điện thoại giá tốt vì thời gian này sinh viên các trường bắt đầu nhập học, nhu cầu mua sắm điện thoại tăng đột biến nên các cửa hàng/hãng điện thoại ở Nhật Bản tung ra vô số những chương trình ưu đãi giảm giá hấp dẫn dành cho những người đăng ký mới.

Cũng trong thời điểm này các mẫu điện thoại tân tiến xuất xưởng còn các mẫu điện thoại cũ thường giảm giá mạnh để kéo khách. Vì vậy, chọn đúng thời điểm để mua điện thoại sẽ bạn sẽ nhận được nhiều ưu đãi về giá điện thoại cũng như giá cước viễn thông đấy!

 

🌸Nên mua ở đâu?

Kinh nghiệm chọn mua điện thoại để có được giá tốt là tránh xa những cửa hàng lớn, nằm ngoài đường lớn vì những cửa hàng này sẽ chịu những khoản phí vận hành rất lớn như tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân viên.

Vì vậy, những cửa hàng trong ngõ nhỏ hơn chút sẽ có giá tốt hơn nhiều. 

 

🌸Cách gửi điện thoại từ Nhật về Việt Nam:

  • Qua đường bưu điện: dịch vụ là EMS

Đây là cách gửi hàng phổ biến nhất, ưu điểm của hình thức gửi đồ này là thủ tục đơn giản, gọn lẹ, phí gửi rẻ. Để gửi điện thoại từ Nhật về Việt Nam với dịch vụ EMS, bạn cần đóng gói sản phẩm cẩn thận, đúng tiêu chuẩn để đảm bảo hàng hóa được an toàn nhất khi vận chuyển. Sau đó bạn mang tới bưu cục gần nhất tại Nhật Bản và thực hiện các thủ tục gửi hàng về Việt Nam theo hướng dẫn của nhân viên bưu cục.

Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển từ Nhật về Việt Nam bằng đường bưu điện có thể xảy ra các trường hợp như hàng hóa bị thất lạc. Đặc biệt là hay thất lạc ở khâu hải quan, chính vì vậy mà gửi hàng qua bưu điện sẽ thích hợp hơn đối với các loại hàng hóa có giá trị thấp, tài liệu, thư từ, hồ sơ, giấy tờ, …

 

  • Qua các công ty chuyển phát nhanh

Từ Nhật bạn có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh của 3 hãng chuyển phát nhanh lớn ở Nhật như Yamato Unyu, Nippon Yusei, Sagawa Kyubin, …

  • Qua con đường xách tay:

Cách gửi này không phải qua Hải quan nên không bị mất thuế. Tuy nhiên không phải ai cũng có bạn bè về Việt Nam thường xuyên hỗ trợ xách tay hàng về Việt Nam.

 

***

Bài viết đến đây là hết!

Sách 100 hi vọng có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn nữa cho bạn~

 


 

>>> Những điều du học sinh cần biết khi làm thêm tại Nhật 

>>> Đăng ký kết hôn tại Nhật như thế nào? 


Để lại bình luận

Để lại bình luận