NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ SHINTO - THẦN ĐẠO NHẬT BẢN
Có thể nói lịch sử hình thành và phát triển của thần đạo cũng chính là lịch sử của đất nước Nhật Bản xinh đẹp hiện nay. Nền văn hóa truyền thống, tính cách, thẩm mỹ của người Nhật phần lớn ảnh hưởng từ tôn giáo này.
Cùng Sách 100 tìm hiểu chủ đề này nhé!
I. THẦN ĐẠO NHẬT BẢN LÀ GÌ?
Thần đạo là tôn giáo có nguồn gốc từ Nhật Bản cổ đại. Nó đã phát triển rất lâu ở Nhật Bản và ăn sâu vào tiềm thức, trái tim của người dân nơi đây. Đây có thể nói là tôn giáo đã định hình văn hóa Nhật Bản cho đến ngày nay.
Tất cả tên các tôn giáo ở Nhật đều có chữ hán 「教」ở cuối. Riêng Thần đạo lại có chữ Hán là 「神道: Shinto」có nghĩa là “con đường của Thần”. Người ta thường gọi là đạo Shinto.
Thần đạo không có kinh sách, giáo lý cụ thể, ngay cả ông tổ sáng lập ra đạo này hiện nay vẫn còn là một ẩn số.
Tư tưởng của Thần đạo khác với những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay bắt buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên con người nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác.
Người ta đến đền thờ Thần đạo thường cầu nguyện những thứ rõ ràng cho cuộc sống hiện tại như: Mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, tình duyên thuận lợi, thi cử đỗ đạt, công việc thăng tiến,... và bày tỏ lòng biết ơn.
II. ĐỀN THỜ THẦN ĐẠO NHẬT BẢN
➽ Sau chiến tranh thế giới thứ II, các đền thờ Thần đạo mọc lên như nấm. Mặc dù lúc đó các cơ quan lo việc tôn giáo và khuyến khích Thần đạo phát triển bị giải thể nhưng vẫn có hơn 80.000 đền thờ Thần đạo được xây dựng trải khắp đất nước Nhật Bản vì sau khi bại trận, người dân lại có nhu cầu bày tỏ đức tin và mong muốn cầu nguyện nhiều hơn.
Sau đó, các Thần chủ và Giáo chủ các giáo phái của Thần đạo cùng nhau lập ra Jinja Honcho (神社本庁) - Hiệp hội quản lý các đền thờ Thần, với mục đích bảo tồn các đền thờ Thần.
➽ Có rất nhiều đền thờ thần đạo nổi tiếng ví dụ như: Đền Ise (伊势神宫), Đền Yasukuni (靖国神社), Đền Meiji (明治神宮), Đền Fushimi Inari Taisha (伏見稲荷大社), Đền Itsukushima (厳島神社), Đền Izumo (出雲大社),...
🌸 Kiến trúc đền thờ thần đạo Shinto ở Nhật Bản
Một ngôi đền truyền thống được xây dựng bằng các vật liệu tự nhiên như gỗ, rơm, và đá. Bên trong ngôi đền là một bệ thờ chính và thần điện, nơi linh thiêng nhất, chứa vật biểu tượng cho vị thần của ngôi đền. Ngoài ra, bên trong ngôi đền không có các hình trang trí hay tượng đá minh họa các vị thần. Thường chỉ có các vật dụng như đá, cung và tên, kiếm, hạt cườm hay gương, tuy nhiên chúng không thực sự quan trọng vì người ta tin rằng bản thân các vị thần luôn ở trong ngôi đền, cụ thể là trong thần điện, nên những vật trang trí trên không thật sự cần thiết.
Bốn kiểu kiến trúc đền truyền thống
Đền thờ thần đạo có kiểu mái đền rất đặc biệt, phần hình chữ X nhô lên khỏi mái đền như trong hình dưới đây được gọi là chigi (千木) ,còn những thanh ngang nằm trên mái, giữa 2 đầu chigi được gọi là katsuogi (鰹木) có vai trò trang trí cho mái đền thêm đẹp. Đặc điểm kiến trúc của mái đền thần đạo không thể được tìm thấy ở các công trình tôn giáo tín ngưỡng khác, là độc nhất vô nhị.
Khu vực linh thiêng nhất của 1 khu đền là sảnh điện bên trong bản điện (本殿 honden), chỉ có các Thần chủ (神主 kannushi) mới được phép vào làm lễ. Còn khu vực sân bên ngoài cho phép người ngoài đến viếng đền, uống nước, mua sắm hay đi tham quan.
🌸 Khuôn viên xung quanh đền thờ thần đạo Shinto
Địa điểm xây dựng đền thờ được chọn vốn dĩ đã rất linh thiêng. Người ta cho rằng nơi gần với thần linh nhất và đem lại một cảm giác thanh bình – đó chính là thiên nhiên, vì vậy trước đây có rất nhiều ngôi đền được xây dựng gần sông, núi, biển, rừng… những nơi có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Các ngôi đền thường được xây dựng gần nguồn nước như suối, hồ, lạch nước nhỏ ...
Ngày xưa, người đến thăm đền thờ Thần đạo sẽ múc nước từ các dòng suối, lạch nước đó để rửa tay và rửa miệng trước khi vào đền. Còn ngày nay, các ngôi đền thường thiết kế một cái bồn bằng đá có nước được dẫn từ bên ngoài vào, để khách đến thăm tiện làm nghi thức tẩy rửa trước khi vào đền.
🌸 Cổng Torii
Cổng Torii tượng trưng cho cánh cổng ngăn cách giữa vùng đất của thần linh và thế giới con người. Đền thần đạo nào cũng sẽ có cổng torii, khi người đi đền bước qua cổng này thì cứ như con người đang đi đến một vùng đất thánh.
Nói về nguồn gốc của chữ “torii”, có giả thuyết cho rằng Torii được xây dựng để cho chim về đậu do nghĩa của 2 chữ kanji (鳥 tori: chim; 居 i: nơi ở). Đó là bởi vì theo Thần Đạo, chim được cho là đối tượng truyền thông điệp của thần linh. Giả thuyết thứ hai lại bắt nguồn từ thuật ngữ tōri-iru (通り入る: thông qua và bước vào).
Ở Nhật Bản, những người làm ăn thành công thường quyên tặng xây dựng Torii nhằm thể hiện lòng biết ơn. Chính vì vậy ở Nhật có rất nhiều Torii. Ví dụ đền thờ Fushimi Inari ở Kyoto có hàng ngàn Torii như thế.
Đền Fushimi Inari Taisha ở Kyoto có đến hơn 10.000 cánh cổng torii nối liền từ chân núi đến ngôi đền, trải dài 4 km.
Cổng đền có rất nhiều kiểu khác nhau nhưng hầu hết đều có chung một đặc điểm là màu đỏ, có 2 cột trụ với 2 thanh ngang trên đỉnh và thanh ngang bên dưới thường ngắn hơn thanh ngang bên trên.
Ngày xưa cổng torii được làm bằng gỗ, tuy nhiên ngày nay có nhiều cổng đền cũng được làm bằng bê-tông hoặc sắt để giữ được lâu hơn.
Con đường từ cổng torii đến ngôi đền được gọi là sando - 参道, thường là đường đất có cát và được rắc sỏi hai bên lối đi, nhằm tạo nên không khí thiên nhiên.
Dọc đường 参道 thường có đèn lồng được làm bằng đá, vì lửa cũng là một loại thanh tẩy trong thần đạo.
🌸 Hyakudo Ishi 百度石 (Bách Độ Thạch)
Theo truyền thống, khi có lời khẩn cầu gì đó gấp, người ta sẽ di chuyển qua lại từ tảng đá Hyakudo Ishi đến ngôi đền 100 lần, và mỗi lần như vậy đều khấn lời khẩn cầu kia, để điều ước thành sự thật.
🌸 Cây Sakaki
Loài cây này thường được trồng xung quanh đền thờ, tạo nên một hàng rào linh thiêng. Lý do mà cây Sakaki trở thành cây linh thiêng trong Thần đạo vì chúng là cây thường xanh, cũng chính là sự bất tử. Bên cạnh đó, do cây Sakaki gắn liền với truyền thuyết cây sakaki được trang trí để dụ nữ thần mặt trời Amaterasu ra khỏi nơi ẩn náu trong hang động.
🌸 Linh vật hộ vệ (Komainu)
Ở các ngôi đền lớn thường có các tượng Komainu để bảo vệ sự tôn nghiêm và xua đuổi quỷ dữ. Người ta tin rằng đó là sứ giả của các vị thần trong Thần đạo Nhật Bản. Phổ biến nhất là đôi tượng Komainu và Shishi. Ở đền Fushimi Inari Taisha, con vật hộ vệ cho Thần là cáo. Ở đền Kasuga là nai, ngoài ra còn một vài tượng vật hộ vệ khác gồm có ngựa, khỉ hoặc sói.
Thần cáo hộ vệ ở đền Fushimi Inari Taisha
🌸 Ema (絵馬)
Ema là những tấm gỗ nhỏ dùng để viết những lời cầu nguyện hoặc ước nguyện ở các đền thờ thần đạo nơi mà người Nhật tin rằng thần linh sẽ nhận được chúng. Sau khi được ghi điều ước lên ema thì người ta treo ở gần cổng, hành lang, hoặc có thể là một sảnh lớn chỗ dành riêng cho chúng cho đến khi chúng được đốt cháy theo nghi thức đặc biệt, tượng trưng cho sự giải phóng điều ước.
🌸 Omamori
Bùa may mắn Omamori được làm ra bằng cách viết lời nguyện ước lên một tờ giấy nhỏ/ miếng gỗ nhỏ rồi đặt trong một túi vải gấm thêu hoa đầy màu sắc và móc dây treo để người sử dụng có thể dễ dàng mang theo bên mình.
🌸 Omikuji
Vào ngày đầu năm mới, người Nhật thường đi đền rút thăm Omikuji để bói vận mệnh trong năm của mình. Gọi là xin quẻ bói đoán vận may, quẻ có thể là đại cát, có thể là đại hung...
Nhưng chúng ta không nên chỉ tin vào quẻ bởi vì những lời viết trong Omikuji thực ra chỉ là lời khuyên từ thần linh, những điều chúng ta nên vận dụng vào cuộc sống để chúng ta hướng đến cái thiện cái tốt đẹp hơn thôi.
III. CÁC VỊ THẦN TRONG THẦN ĐẠO NHẬT BẢN
Theo Thần đạo, vũ trụ không có điểm khởi đầu. Vào thời gian đầu, vũ trụ là một đại dương bất định. Sau khi đại dương đó tách ra làm 3 phần: bầu trời (thiên đàng), trái đất, địa ngục 3 vị thần thoát ra khỏi mặt nước và bay đến nơi cao nhất ở trên Thiên đàng. Tại đó, họ đẻ ra các linh hồn và vị thần khác.
Những vị thần trú ngụ ở tầng cao nhất trên thiên đàng và chỉ rời khỏi đó khi được mời xuống các đền thờ trong các nghi lễ. Người Nhật Bản hiện nay đang thờ 7 vị thần chính với truyền thuyết kể nói 7 vị thần như sau:
1. Thần Izanagi và Thần Izanami
Vị nam thần đầu tiên - thần Izanagi là chồng của Izanami. Ông cùng vợ đã tạo ra nước Nhật Bản. Từ trên cầu Ame no ukihashi ông dùng ngọn giáo thần Ame-no-nuboko nhúng vào và điều khiển đại dương. Khi ông rút ngọn giáo lên, nước biển nhỏ xuống đã tạo thành một hòn đảo. Izanagi và Izanami xây dựng một lâu đài và sinh ra 8 hòn đảo mới, gộp thành phần lớn nước Nhật ngày nay. Izanagi là cha của thần ánh sáng Amaterasu, thần mặt trăng Tsukuyomi và thần bão tố Susanoo.
Vị nữ thần đầu tiên - thần Izanami là vợ của Izanagi. Khi thần Izanami sinh ra Thần Lửa Homu-subi thì lửa bốc cháy đã làm bà bị thương và chết. Điều đó làm thần Izanagi nổi giận và dùng kiếm chém chết đứa con Kagutsuchi và chặt thành 8 khúc. Truyền thuyết nói rằng sau đó các phần của Thần Lửa Homu-subi trở thành những núi lửa bao bọc nước Nhật.
2. Thần Amaterasu-Omikami
Trong thần đạo Nhật Bản, Amaterasu là nữ thần ánh sáng - vị nữ thần được sinh ra từ mắt trái của Izanagi khi ông rửa mặt sau khi trở về từ Suối Vàng.
Thần Amaterasu mang lại ánh sáng và hơi ấm cho mọi vạn vật. Nhưng một hôm em trai của Amaterasu là thần bão tố Susanoo cãi nhau với bà và Susanoo đã giẫm nát đồng lúa, phá hỏng kênh mương và cho lũ cuốn trôi hoa màu của bà, Susanoo còn bắt và lột da một con ngựa lang trắng của bà, sau đó ném vào người hầu gái của bà lúc đó đang dệt vải khiến người hầu gái chết.
Sau đó thần Amaterasu tức giận và tự nhốt mình trong hang đá, khiến thế giới chìm vào bóng tối.
3. Thần Tsukuyomi
Thần Tsukuyomi là thần Mặt Trăng được sinh ra từ mắt phải của Izanagi khi ông rửa mặt sau khi trở về từ Suối Vàng. Một hôm thần Amaterasu sai Tsukuyomi đi thay mình đến dự tiệc của Ukemochi no kami. Ukemochi lần lượt nhìn vào biển, rừng và đồng lúa rồi nôn ra cá, thịt và một chén cơm mời Tsukuyomi ăn. Kết quả là Tsukuyomi cảm thấy kinh hãi và giết chết Ukemochi.
Kể từ đó, Amaterasu không thèm nhìn mặt em trai nữa, và khi nào có Mặt Trăng thì Mặt Trời đi chỗ khác.
4. Thần Ame-no-Uzume-no-mikoto
Thần Ame no Uzume no mikoto là nữ thần của lễ hội và hạnh phúc trong thần đạo Nhật Bản. Khi Amaterasu nhốt mình trong hang,vị thần này đã treo một chiếc gương bằng đồng lên cây rồi khoác hoa lá lên mình nhảy múa trước cửa hang động.
Các vị thần kéo tới xem, Ame no Uzume vứt bỏ chiếc áo bằng hoa đi và được đám đông vị thần hét lên thích thú. Điều đó khiến thần Amaterasu tò mò lẻn ra khỏi hang xem, và ánh sáng của bà phản chiếu trong gương đã tạo ra bình minh xóa tan bóng tối.
5. Thần Susanoo-no-Mikoto
Thần bão tố Susanoo no Mikoto là em trai của Amaterasu và Tsukuyomi, được sinh ra từ mũi của Izanagi khi ông rửa mặt sau khi trở về từ Suối Vàng.
Susanoo làm Amaterasu tức giận và bị đuổi đi. Khi đến huyện Izumo, Susanoo gặp hai thần đất. Họ bị một con rắn 8 đầu Yamata no Orochi bắt mất 7 người con gái nên thần Susanoo hỏi cưới cô thứ 8 nhỏ nhất chưa bị bắt là Kushi Inada hime - 奇稲田姫 rồi biến cô thành một chiếc lược giấu trên đầu. Sau đó thần Susanoo dùng 8 bình rượu để làm con rắn bị say rồi chặt khúc. Sau đó thần Susanoo tìm được thanh gươm Thảo Thế từ đuôi của con rắn và gửi tặng thần Amaterasu để làm hòa.
6. Thần Sarutahiko-Okami
Trong thần đạo Nhật Bản, Sarutahiko Okami là thần đất và sức mạnh. Ông là chồng của thần Ame no Uzume no mikoto. Thần Sarutahiko thường được mô tả là một người rất to lớn và cầm giáo dài, đặc biệt có mũi rất to và dài.
7. Thần Inari
Thần Inari là thần gạo và có thể xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau, có khi là thiếu nữ, ông già và thường đi cùng một con hồ ly màu trắng Kitsune. Đền của Inari thường có rất nhiều cổng nối tiếp nhau và có tượng cáo trắng đeo khăn đỏ ở hai bên. Cả Inari và Kitsune đều thích ăn đậu khuôn chiên Aburaage, nên món này thường được dâng cho Inari cùng với rượu sake và bánh gạo.
IV. THẦN ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG NHẬT BẢN
📒 7 QUY TẮC KHI ĐI ĐẾN ĐỀN THỜ THẦN ĐẠO
① Cúi đầu ở cổng torii:
Hãy nhớ khi đi đến cổng torii ở lối vào đền thờ thần đạo thì hãy dừng lại và cúi đầu 45 độ để “chào” thần linh nhé.
② Không đi bộ ở trung tâm của sando - 参道:
Trung tâm của sando được gọi là Seichu. Người ta nói rằng đó là nơi các vị thần đi lại cho nên đừng đi ở đó. Ngoài ra, khi đi trên sando bạn đừng nói to.
③ Phải rửa sạch miệng và tay ở temizuya
Có một bồn nước gọi là temizuya ở bên gần sando khi bạn đi lên đền thờ. Đó là nơi để tự thanh tẩy trước khi bước vào khu vực linh thiêng của đền.
Cách thanh tẩy:
- Lấy cái gáo bằng tay phải, múc một ít nước và rửa sạch tay trái trước.
- Sau đó chuyển cái gáo sang tay trái và rửa lại tay phải.
- Đặt cái gáo trở lại tay phải, múc thêm nước vào đầy gáo rồi đổ nước vào tay trái (nhớ khum tay lại để giữ nước không đổ) và dùng chỗ nước đó để làm sạch miệng của mình
- Sau khi làm sạch miệng xong, một lần nữa làm sạch tay trái bằng nước từ gáo.
- Cuối cùng là nhấc cái gáo để dòng nước còn lại chảy xuống tay cầm rồi để trở lại vị trí cũ.
④ Rung chuông trước khi cầu nguyện
Khi bạn đến phía trước chính điện, đừng đứng ở giữa vì đây là nơi mà thần linh đứng. Sau đó hãy cúi đầu một lần và rung chuông để thông báo cho các vị thần là bạn đến thăm.
⑤ Hãy đặt tiền trước khi cầu nguyện
Đừng ném đồng xu bạn vào thùng, mà hãy thả thật nhẹ nhàng. Có thể đặt vào đó bao nhiêu tiền đều được nhưng người Nhật thường thả đồng 5 yên vì họ cho rằng 5 yên theo cách đọc "Goen" (ご縁) có nghĩa là "có duyên" là điều mà mọi người mong muốn khi cầu nguyện.
⑥ Cúi đầu hai lần, vỗ tay hai lần, sau đó cúi đầu một lần nữa khi cầu nguyện
Đầu tiên, khi bạn cúi đầu hai lần, bạn hướng mặt với điện thờ và bạn cúi đầu thật thấp cho đến khi lưng thẳng và hông tạo thành một góc 90 độ.
Khi bạn vỗ tay, phải để cho hai bàn tay đập vào nhau và tay phải nằm thấp hơn tay trái một chút. Sau đó chắp hai bàn tay lại với nhau, và hạ tay xuống trong khi bạn cầu nguyện.
Sau khi cầu nguyện xong, hãy cúi đầu thật thấp một lần nữa.
⑦ Cúi chào khi ra về
Khi bước qua cổng torii để đi về thì nhớ phải quay đầu lại hướng về phía đền thờ và cúi chào một lần nữa nhé. Đó là cách để bạn gửi những lời biết ơn đến các vị thần.
📒 Lễ hội là một phần không thể thiếu của Thần đạo
Mỗi ngôi đền đều có mùa lễ hội riêng trong năm, còn gọi là 年中行事. Bên cạnh đó, Đạo Shinto có vai trò vô cùng quan trọng, gắn bó khăng khít đối với cuộc sống hằng ngày và cuộc đời của người dân Nhật Bản từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, kết hôn và chết đi.
1. Miyamairi「宮参り」
Ở Nhật Bản có phong tục đến thăm ngôi đền trong tháng đầu tiên khi một đứa trẻ chào đời, với hy vọng đứa trẻ đó phát triển khỏe mạnh và vị thần ở đó sẽ bảo vệ cho tương lai cho đứa bé. Phong tục này gọi là Miyamari. Miyamairi chính là sợi dây đầu tiên gắn bó con người với các vị thần, kể từ khi được sinh ra.
2. Hina matsuri 「雛祭り」
Ngày 3/3 hằng năm là ngày lễ hội cho bé gái (hina matsuri). Ngày này trở thành ngày cầu phúc, cầu may mắn và sức khỏe cho các bé gái trong gia đình. Vào ngày này, các bé gái trưng bày các con búp bê lên một chiếc bục (hầu hết các búp bê được truyền lại từ đời trước trong gia đình), sau đó mời bạn bè đến ngồi chơi, ngắm búp bê và uống trà.
3. Tango no Sekku 「端午の節句」
Ngày 5/5 hàng năm là ngày lễ hội cho bé trai (Tango no Sekku). Vào ngày này, người ta sẽ bày các bộ giáp võ sĩ samurai ngày xưa, hoặc búp bê samurai ở ngoài cửa ra vào để xua đuổi quỷ dữ. Bé trai sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống của samurai ngày xưa để cho thấy sức mạnh và lòng dũng cảm. Ngoài ra, người Nhật còn treo diều cá chép, biểu tượng của sinh khí và sức mạnh.
Mặc dù ngày nay các ngày bé gái, bé trai không còn mang tính tôn giáo tín ngưỡng nữa, nhưng nó vẫn là ngày quan trọng để nhắc nhở bọn trẻ nhớ đến các vị thần bảo hộ của mình.
4. Shichigosan 「七五三」
Shichi-Go-San là ngày cầu phúc cho các bé gái lên 3 tuổi và 7 tuổi, các bé trai lên 5 tuổi. Được tổ chức vào 15/11 hàng năm để cầu sự phát triển khỏe mạnh và bình an cho trẻ nhỏ. Các bé gái lên 3 tuổi và 7 tuổi, các bé trai lên 5 tuổi vận những bộ trang phục truyền thống và đi lễ ngôi đền bảo hộ cho chúng và cầu mong các vị thần sẽ bảo vệ và phù hộ cho chúng lớn lên khỏe mạnh.
5. Lễ thành nhân 「成人の日」
Lễ thành nhân được tổ chức vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai tháng Giêng hàng năm, được tổ chức để chúc mừng tất cả những người bước sang tuổi 20, đánh dấu mốc trưởng thành của họ và cầu mong hạnh phúc cho tương lai của họ. Vào ngày này, thiếu nữ Nhật Bản sẽ mặc furisode - loại kimono nhiều màu sắc sinh động với tay áo dài và con trai thì mặc một bộ kimono tối màu gọi là hakama.
6. Đám cưới 「結婚式」
Ngày xưa, các lễ cưới của Thần đạo được tổ chức tại gia.
Tuy nhiên hiện nay, các khoảng sân rộng ở các ngôi đền là nơi lý tưởng để tổ chức đám cưới mà có Thần linh chứng giám nên có nhiều cặp đôi chọn đám cưới truyền thống này thay vì tổ chức theo kiểu phương Tây.
Lễ cưới truyền thống cũng như nhiều nghi lễ trong Thần đạo khác trước hết phải tiến hành thanh tẩy nơi làm lễ. Chủ lễ sẽ dâng muối, gạo,... lên bàn thờ trước khi cầu nguyện với thần linh và mọi người sẽ lắng nghe những lời chúc phúc cho 2 nhân vật chính của lễ thành hôn. Kế tiếp chính là nghi lễ san-san-kudo (三々九度) là nghi lễ cô dâu và chú rể cùng uống rượu sake bằng bộ chén sakazuki có kích thước khác nhau. Có thể nói đây là nghi thức cổ nhất trong lễ cưới Thần đạo vì nó có từ thế kỷ thứ 8. Chú rể sẽ uống bằng chén nhỏ nhất, nhấp 3 ngụm rượu trước khi chuyển sang chén lớn hơn. Và cô dâu cũng làm theo tương tự như vậy.
Sau đó, hai người sẽ thề trước thần linh và dâng một nhánh cây sakaki gọi là Tamagushi lên cho các thần linh rồi hai bên trao nhẫn cho nhau.
7. Đám tang 「葬式」
Ngày xưa, thần đạo không có tang lễ vì đó là nghi thức của Phật giáo. Hầu hết người Nhật đều “sinh theo Thần, chết theo Phật” cho nên họ chọn nghi lễ của Phật giáo tổ chức tang lễ.
Lễ tang đánh dấu cuộc đời mới cho người đã mất, họ sẽ trở thành “tổ tiên” cho thế hệ sau và tiếp tục ý chí của các vị Thần, tiếp tục phù hộ và bảo vệ cho con cháu đời sau.
7. Thần đạo Shinto trong ngày tết của người dân Nhật Bản
Lễ mừng năm mới là một quốc lễ tại Nhật Bản kéo dài trong 7 ngày.
Trước ngày đầu năm mới, mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa để xua đuổi điều xấu của năm cũ, dọn đường cho năm mới. Người Nhật thường treo các cành thông - biểu tượng cho sự tái sinh của vạn vật, bó dây thừng bện từ rơm Shimenawa (しめ縄) nhằm xua đuổi ma quỷ. Nhiều gia đình cũng trang hoàng hoặc lập nên các miếu thờ nhỏ trong nhà để đón Thần Mùa màng Inari Ookami.
Shimenawa しめ縄
Và không thể thiếu việc này vào đầu năm mới đó là đi đền, còn gọi là 初詣 (hatsumoude). Vào đêm giao thừa, mọi người thường đến các ngôi đền để cầu chúc và xin các thần phù hộ cho mình trong năm mới. Ở ngoài các ngôi đền, thường là ở cổng đền (torii) có treo dây thừng shimenawa chắn ngang để mọi người bước qua, họ như được thanh tẩy để vào gặp thần.
Ngoài ra có phong tục thường thấy khi thăm đền thần đạo là ném một đồng xu vào một chiếc thùng có nhiều rãnh (để đồng xu lọt vào bên trong), coi như một lễ vật gửi cho thần linh trước rồi mới được ước nguyện.
>>> Xrm thêm bài viết: Tìm hiểu về Kimono - trang phục truyền thống Nhật Bản
Bài viết đến đây là hết! Sách 100 hy vọng bài viết này có thể cung cấp thêm cho những kiến thức về thần đạo Shinto của Nhật Bản.
Chúc các bạn học tốt và giữ gìn sức khỏe nhé!
🎁 CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT "KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT"
>>> Hướng dẫn giới thiệu bản thân bằng tiếng Nhật (bản chi tiết)
>>> Trọn bộ từ vựng tiếng Nhật theo chủ đề (PDF)
>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100 <<<
🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày
🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k
🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)