Tìm hiểu Kimono - trang phục truyền thống của Nhật Bản – Sách 100

Tìm hiểu Kimono - trang phục truyền thống của Nhật Bản

Ngày đăng: 24/09/2020 - Người đăng: Tạ Ngọc Trâm

Kimono - trang phục truyền thống mang trọn thuần túy xứ Phù Tang.





Nhắc đến trang phục truyền thống của Nhật Bản, hẳn ai cũng quá quen với hình ảnh những cô gái Nhật xinh đẹp trong những bộ Kimono rực rỡ.

Theo một số tài liệu, bộ Kimono xuất hiện lần đầu vào vào thế kỉ thứ 7. Vậy trước đó, người dân Hòa quốc mặc trang phục như thế nào nhỉ?

Hôm nay hãy cùng Sách 100 tìm hiểu kĩ hơn về lịch sử phát triển trang phục truyền thống của Nhật Bản qua các thời kì nhé!


NỘI DUNG:


I. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN KIMONO QUA CÁC THỜI KỲ
II. CÁC LOẠI KIMONO
 1. Yukata (浴衣)
 2. Hakama (袴)
 3. Furisode (振袖)
 4. Tomesode(留袖)
 5. Tsukesage(付け下げ)
 6. Houmongi (訪問着)
 7. Shiromuku và Iro uchikake (白無垢と色打掛)
 8. Mofuku Kimono (喪服着物)
Thêm một số điều cần biết về Kimono



I. Lịch sử phát triển của Kimono qua các thời kì.


1. Thời kỳ Jomon (10000-4000 TCN)


Ảnh: Nguyễn Triều Viễn Ý


Thời kỳ này, trang phục được sử dụng cho mục đích ngăn lạnh, nóng và bảo vệ bản thân khỏi kẻ thù, gió, mưa. Quần áo không có ý nghĩa trang trí. Sau khi con người làm nông nghiệp, các sợi vải ra đời. Loại sợi cây gai dầu được sử dụng đầu tiên trong việc dệt quần áo.



2. Thời đại Yayoi (~300 TCN - 250)


Ảnh: Nguyễn Triều Viễn Ý


Trong thời kỳ Yayoi, vải bắt đầu được nhuộm. Trang phục thô sơ cũng hình thành kèm theo một chiếc thắt lưng. 


Ảnh: Nguyễn Triều Viễn Ý


3. Thời kỳ Kofun (250-538)


Trong thời kỳ Kofun, Tòa án Hoàng gia Yamato đã thực hiện rất nhiều trao đổi với lục địa, và ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. Các cô gái mặc trang phục tương tự của Hàn Quốc. Phần trên của ống tay áo khá giống với trang phục của Trung Quốc.



Ảnh: phantaporta.com


4. Thời kì Nara (710-794)


Ở thời kì này, người Nhật thường mặc những bộ trang phục gồm phần trên và phần dưới (quần hoặc váy) riêng biệt hoặc trang phục liền một mảnh.


Ảnh: ranhaku.com


5. Thời kỳ Heian (794-1185)


Vào thời Heian, trang phục truyền thống Nhật Bản có nhiều thay đổi. Những bộ trang phục bị ảnh hưởng bởi khí hậu ở Kyoto và sự phát triển của văn hóa triều đình.


Ảnh: noah-tips.com


Nhờ công nghệ may straight-line-cut (cắt đường thẳng), những bộ kimono đầu tiên ra đời.

Người thợ may sẽ cắt mảnh vải theo đường thẳng, rồi sau đó may chúng lại với nhau. Cách may này phù hợp với mọi hình dáng người mặc. Người mặc sẽ không cần quá lo lắng về chuyện kích thước. 


Thời kỳ đầu, chiếc áo Kimono với cánh tay áo xẻ và dài chạm tới đất, thân áo dài nhiều lớp màu sắc khác nhau được phối hợp một cách tinh tế thường xuất hiện trong các dịp nghi lễ long trọng của giới thượng lưu.

 

Trang phục Kimono là sự kết hợp nhiều loại trang phục của các nước khác như Trung Quốc, Cao Ly, Mông Cổ để phù hợp với thời tiết khí hậu và văn hóa người Nhật.

 

Juuni hitoe



Trang phục nữ được trang trí nhiều họa tiết khác nhau, bao gồm rất nhiều lớp áo. Đặc biệt là phụ nữ trong hoàng gia, hoặc thuộc các gia đình quý tộc mặc đến 12 lớp áo (十二単 - juuni hitoe).



6. Thời Kamakura (1192-1333) và Muromachi (1338-1573)


Cho đến thời kỳ KamamuraMuromachi – thời kỳ của các võ sĩ đạo Nhật Bản, bộ lễ phục Kimono đã được các võ sĩ đạo đưa vào trở thành trang phục mặc thường ngày và phổ biến trong đời sống của người dân Nhật Bản.


Trang phục thời Kamakura


Kimono dành cho nam giới và nữ giới có những điểm khác biệt riêng và Kimono nam giới được may thêm quần chẽn ở bên trong.


Trang phục dân thường thời Muromachi


Các võ sĩ đạo cũng đã tạo ra một bộ y phục Kimono riêng khi lên võ đài với tên gọi là Hakama với các nếp gấp mang ý nghĩa tôn vinh tinh thần võ sĩ đạo.


Trang phục chiến đấu thời Kamakura


5 nếp gấp đằng trước, và 2 nếp gấp đằng sau, mỗi nếp gấp đều có một ý nghĩa riêng: "Yuki"-lòng quả cảm; "Jin"-lòng nhân ái; "Gi"-sự công bằng, chính trực; "Rei"-sự lịch thiệp, lễ độ; "Makoto"-sự chân thành; "Chugi"-tính cống hiến, "Meiyo"-phẩm giá và danh tiếng.

 

 

7. Thời Edo (1603-1868)


Cùng với sự ra đời của thắt lưng Obi, Kimono đã có một thay đổi lớn. Chiếc thắt lưng Obi không chỉ giúp tạo sự gọn gàng, mà còn có tác dụng trang trí, mang tính thẩm mỹ rất cao, tôn thêm dáng vẻ của bộ trang phục cũng như người mặc nó.



Để tạo thành một chiếc thắt lưng Obi cũng cầu kỳ không kém việc may một bộ Kimono. Và thắt lưng Obi đã trở thành một thứ không thể thiếu được của Kimono, cùng với các phụ kiện khác như dây "Koshi-himo", dây "Date-jime", dây "Obijime", nơ bướm "Chocho", trâm cài đầu, guốc gỗ...


Kimono thời Edo, với sự xuất hiện của đai Obi


Có hơn 300 kiểu Obi khác nhau, nhưng có hai kiểu phổ biến nhất :


Kiểu "Taiko" giống như hình trụ đai ngang của cái trống, là kiểu truyền thống nhất thường sử dụng cho các phụ nữ đã có gia đình, và kiểu "Fukura suzume" giống như hình con chim sẻ thường sử dụng cho các phụ nữ chưa kết hôn.


Obi của nam giới có thể chia ra làm hai loại: KakuHeko. Kaku Obi được làm từ vải cotton cứng, rộng khoảng 9 cm. Heko Obi làm từ các chất liệu mềm hơn, và thường sử dụng vải lụa nhuộm.

 



8. Thời Minh Trị (1868-1912) và Đại Chính (1912-1926)


Người Nhật Bản trong trang phục phương Tây


Thời kì này, Nhật Bản bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa phương Tây. Chính phủ xử sở hoa anh đào khuyến khích người dân chấp nhận trang phục, văn hóa phương Tây. Thậm chí còn có luật bắt buộc mặc trang phục phương Tây trong các sự kiện quan trọng của chính quyền. 



Thời kì giao thoa văn hóa, khiến cho trang phục cũng giao thoa giữa cổ truyền và hiện đại.



9. Từ thời Showa, Heisei đến nay.


Trong cuộc sống hàng ngày, cơ hội mặc kimono ngày càng giảm. Kimono Nhật Bản thường chỉ được sử dụng trong lễ cưới, lễ hội hoặc tang lễ.

Có nhiều sự kiện truyền thống ở Nhật Bản phù hợp với Kimono, bao gồm năm mới, ngày tết, lễ thành nhân, Shichigosan, v.v., trong suốt bốn mùa.


Các cô gái trẻ xinh đẹp mặc Furisode trong ngày lễ thành nhân.


Ngày nay, người ta tìm nhiều cơ hội để mặc kimono hơn như lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp, hiệp hội cựu sinh viên, lễ hội mùa hè, Tanabata, nhà hát, mua sắm, các bài học như trà, hoa, khiêu vũ, …

 

 


II. Các loại Kimono

 

Kimono (着物)là tên để gọi chung trang phục truyền thống Nhật.

Theo truyền thống, nữ sẽ mặc kimono 8 mảnh, nam mặc 5 mảnh.

Trang phục cho các thiếu nữ thường được trang trí họa tiết rực rỡ, màu sắc tươi sáng. Còn trang phục của các phu nhân thì dịu dàng và thanh lịch hơn. 

Trang phục nam thì đơn giản hơn, thường là màu đen hoặc màu tối. Trong quá khứ người ta thường in gia huy lên.


Kimono được chia thành nhiều kiểu để phù hợp với các đối tượng và hoàn cảnh khác nhau.


1. Yukata (浴衣)


Yukata nam nữ


Đây là loại trang phục rất phổ biến trong các loại trang phục truyền thống của Nhật. Yukata còn được gọi là Kimono cách điệu, hay Kimono mùa hè, do chúng thường được mặc trong các lễ hội mùa hè. Yukata chỉ có một lớp vải, và chất liệu vải cũng bình dân hơn, thường được làm từ vải cotton hoặc các chất liệu mát mẻ. Các hoa văn in trên yukata cũng đơn giản hơn nhiều. 

 


2. Hakama (袴)


Hakama là một loại quần truyền thống của Nhật Bản. Nó bao phủ phần dưới của cơ thể như một chiếc váy rộng xếp nếp. Hakama có hai kiểu: Dạng váy hoặc dạng quần ống rộng xếp nếp. 



Hakama ra đời để thuận lợi cho việc di chuyển. Với những võ sĩ, hakama thường có 7 nếp gấp. 2 nếp ở sau và 5 nếp ở trước, biểu tượng cho 7 đức tính cần có ở một người võ sĩ. 



Ngày nay, Hakama thường được mặc trong một số môn thể thao như 弓道-Kyuudo (cung đạo), 剣道-Kendo (kiếm đạo), các nữ sinh viên mặc trong buổi lễ tốt nghiệp đại học.

 


3. Furisode (振袖)


Đây là loại kimono dành cho các thiếu nữ chưa chồng. Ống tay áo của Furisode thường dài từ 85-114 cm.



Loại kimono này được làm từ vải lụa tốt và mịn, màu sắc tưới sáng. Các cô gái thường mặc furisode vào ngày lễ thành nhân.



4. Tomesode (留袖)


Tomesode là loại kimono dành cho phụ nữ đã kết hôn, thường được mặc vào các dịp lễ trang trọng.



Màu sắc loại kimono này có họa tiết và màu sắc trang nhã, thường là màu đen hoặc màu tối. Họa tiết chủ yếu tập trung phía dưới thân áo. 


Tomesode sẽ có đính gia huy tượng trưng cho họ tộc bên chồng của người phụ nữ.



5. Tsukesage  (付け下げ)


Đây là trang phục dạo chơi của người phụ nữ Nhật Bản, thường được mặc trong các buổi trà đạo, cắm hoa, đám cưới bạn bè hoặc các buổi tiệc gặp mặt,...



Tsukesage có nhiều màu sắc, bao gồm cả đen và trắng, thường là khá tươi trẻ, có hoa văn trang nhã. Nó được mặc bởi tất cả người phụ nữ Nhật Bản, cho dù đã có chồng hay chưa.


Thiết kế hoa văn trên Tsukesage được thể hiện theo khu vực với các hoạ tiết thường nhỏ và rời rạc. Các hoa văn thường tập trung nhiều nhất ở phần thân dưới từ eo trở xuống, nhưng vẫn có 1 ít điểm nổi bật ở phía trước vai trái và tay trái áo, phía sau vai và tay phải.


Tsukesage hiếm khi có gia huy trên áo, nếu có cũng không nhiều hơn 3 cái, vì vậy nên nó không được dùng trong các buổi lễ quan trọng.



6. Houmongi (訪問着)


Houmongi là loại Kimono cao cấp, thuộc dòng "Visiting Kimono", và có mức độ trịnh trọng cao hơn Tsukesage.



Houmongi thường đặc trưng bởi hoa văn bọc quanh thân dưới của Kimono, và được hiển thị trên cả tay áo và vai. Một số Vintage Houmongi có hoa văn hiển thị trên cả mặt trước lẫn sau của vai và tay áo mỗi bên. Một số còn được cắt từ Furisode khi mà chủ nhân của nó đã kết hôn để tiếp tục mặc.


Houmongi có thể được mặc bởi phụ nữ đã lập gia đình và chưa lập gia đình. Trong 1 đám cưới, thường bạn bè của cô dâu sẽ mặc Houmongi (ngoại trừ người thân) để tiếp khách. Houmongi cũng được dùng để đến các buổi tiệc, trà đạo hay các buổi lễ tốt nghiệp, hoà nhạc hay đến các nơi trang trọng.


Hiếm khi gia huy được thêm vào Houmongi, và cho dù có thì mức độ trịnh trọng cũng vẫn không bằng Tomesode.




7. Shiromuku (白無垢)và Iro uchikake(色打掛)


Đây là hai loại trang phục cô dâu truyền thống của Nhật Bản.


Shiromuku (白無垢)



Shiromuku có màu trắng tinh khiết, các phụ kiện đi kèm cũng toàn là màu trắng, đôi khi được điểm xuyết đỏ, tượng trưng cho sự trong trắng của người phụ nữ. Bộ lễ phục trắng này được mặc trong lúc lễ cưới diễn ra ở đền thờ.


Shiromaku được may tay với họa tiết vô cùng cầu kì, tỉ mỉ và dày, nặng. Bao gồm một bộ Furisode kimono, khoác thêm lớp Kakeshita. Thêm vào đó, khăn quấn Maru obi hoặc Fukuro obi sẽ được đeo quanh thắt lưng và được bọc lại bởi khăn obi age và cố định bằng dây Obi jime. Sau đó một bộ kimono giống như lớp áo thứ hai được gọi là Uchikake sẽ được khoác ngoài cùng.


Giày dép bao gồm vớ ​​Tabi, dép Zori và các phụ kiện đi kèm như ví Hakoseko, quạt gấp Sensu và đôi khi là một con dao Kaiken.


Trong khi các cô dâu phương Tây thường đeo khăn che mặt, thì bộ lễ phục Shiromaku lại có riêng một chiếc mũ trùm đầu màu trắng có kích thước lớn được gọi là Wataboshi.


Điều này được cho là để che giấu những linh hồn tội lỗi tồn tại trong mái tóc dài của người phụ nữ cũng như khiến cho chú rể chỉ thấy được khuôn mặt của cô dâu. Các cô dâu cũng có thể chọn đội mũ Tsunokakushi trên bộ tóc giả Shimada được trang trí bằng những món đồ trang trí tóc (Kanzashi). Tóc giả được tạo kiểu theo phong cách Shimada thời Edo. Một số cô dâu có thể đội Wataboshi trong buổi lễ và sau đó chuyển sang Tsunokakushi cho tiệc chiêu đãi.



Iro Uchikake


Sau lễ cưới, các cô dâu sẽ xuất hiện trong tiệc chiêu đãi và đổi lễ phục từ Shiromaku sang Iro uchikake.



Iro uchikake thường có màu đỏ tươi nhưng cũng có thể là vàng hoặc các màu hiện đại hơn như tím đậm hoặc xanh ngọc. Trang phục thường được thiết kế với họa tiết đặc biệt như hoa anh đào, con sếu hoặc các họa tiết tiêu biểu khác của Nhật Bản. Những biểu tượng được chọn này thường có ý nghĩa mang lại sự may mắn hoặc tài lộc.


Trang phục cưới của chú rể thì đơn giản hơn nhiều, bao gồm một bộ kimono đen và hakama kẻ sọc đen trắng, khoác bên ngoài một chiếc áo haori đen.



8. Mofuku Kimono (喪服着物)



Đây là loại Kimono mặc đi dự đám tang. Toàn bộ chiếc Kimono loại này có màu đen.



🌸Thêm một số điều bạn cần biết về Kimono:


🍀 Mặc từ phải sang trái: Theo tục lệ, người mặc phải quấn từ bên phải trước rồi mới quấn sang bên trái. Cách quấn ngược lại chỉ dành cho người chết.

 

🍀 Không thể tự mình mặc kimono mà thường phải có sự trợ giúp của người khác.

 

🍀 Mỗi bộ Kimono đều được làm thủ công và mang tính đơn chiếc. 

 

🍀 Giá thành của một bộ Kimono không hề thấp. Kimono phải đặt may ở cửa tiệm chuyên may Kimono với giá thành gần xấp xỉ 10.000 USD và nếu bao gồm cả lót, thắt lưng Obi, vớ, dép và các phụ kiện, có thể vượt quá 20.000 USD, trong đó Obi đã chiếm đến vài ngàn USD.



Hi vọng qua bài viết trên, Sách tiếng Nhật 100 đã mang đến được cho các bạn những thông tin bổ ích về trang phục truyền thống của xứ sở hoa anh đào. 

Tìm hiểu về lịch sử và văn hóa sẽ giúp cho việc học ngoại ngữ của bạn trở nên thú vị và hiệu quả hơn nhiều đấy!



>>> Xem thêm: Tiền Yên Nhật đổi ra tiền Việt như thế nào? | Kiến thức về tiền Nhật Bản bạn cần biết


Sách tiếng Nhật 100 chúc các bạn thành công trên con đường Nhật ngữ!


🎁 CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT "KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT" 

🎁 TÀI LIỆU TIẾNG NHẬT FREE

>>> BẬT MÍ những ứng dụng học tiếng Nhật tốt nhất

>>> LIST các cuốn sách luyện đọc hiểu tiếng Nhật


>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100 <<<

🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày

🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k

🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)

 

5

(3 đánh giá)

Để lại bình luận

Để lại bình luận