RƯỢU SAKE - QUỐC TỬU NHẬT BẢN
Rượu sake từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là “quốc tửu” của Nhật Bản không chỉ bởi sự yêu thích vô cùng của người dân nơi đây với loại rượu này, mà còn bởi nó mang đậm những nét đẹp tinh hoa trong văn hóa dân tộc.
I. Rượu sake xuất hiện từ bao giờ?
Có nhiều thuyết về nguồn gốc của rượu sake, tuy không có thuyết nào nhận được nhiều ủng hộ ở Nhật Bản song người ta cho rằng sớm nhất cũng phải từ lúc lượng lúa thu hoạch đã đủ nhiều để đáp ứng cho các mục đích khác ngoài làm lương thực.
Đó là vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, cùng với việc truyền bá phương pháp canh tác lúa nước, phương pháp nấu rượu đã được mang từ vùng lưu vực sông Dương Tử du nhập vào Nhật Bản.
Lúc đầu rượu sake được mệnh danh là “thức uống của thần thánh” chỉ phục vụ cho những quý tộc, hoàng gia hoặc được sử dụng trong những lễ hội truyền thống của đạo Shinto.
Phải đến khoảng cuối thế kỉ 12, rượu sake mới trở nên phổ biến trong tầng lớp bình dân.
II. Rượu sake được sản xuất như thế nào?
1. Rượu sake được làm bằng nguyên liệu gì?
Nói đến Nhật Bản ta nói đến nền văn hóa lúa nước phát triển rực rỡ, vì vậy gạo vừa là lương thực chủ yếu vừa là một thứ thiêng liêng đối với người dân nơi đây.
Bánh dango, mochi đều được làm từ gạo và rượu sake cũng vậy. Người ta cho rằng trong mỗi hạt gạo đều có một vị thần ngự trị và người ta có thể ủ thành công rượu sake là nhờ có sự chúc phúc của vị thần đó. Vì vậy mà rượu sake được coi là cầu nối giữa con người với thần linh.
Để sản xuất ra thứ rượu sake hảo hạng người ta cần loại gạo chất lượng cao, nguồn nước sạch, nấm Koji và men. Những hạt gạo sẽ được ủ để lên men, trong quá trình đó tinh bột trong gạo sẽ chuyển hóa thành Glucozơ rồi lên men thành rượu.
Lựa chọn loại gạo và nguồn nước sạch có thể khác nhau tùy từng vùng miền, từ đó tạo nên sự đa dạng và phong phú cho rượu sake. Loại gạo thường được sử dụng là gạo Sakamai hay Shuzoutekimai - loại gạo có hạt lớn hơn, nhiều tinh bột, ít chất béo, chất đạm hơn so với các loại gạo thông thường. Gạo sakamai được trồng chủ yếu ở các vùng miền Tây của Nhật Bản và đặc biệt rất khó trồng, khó thu hoạch.
Trong rượu sake, nước tinh khiết chiếm hơn 80% vì vậy mà nguồn nước sạch là thành phần vô cùng quan trọng trong khâu sản xuất. Loại nước nửa cứng được khai thác từ hai nguồn nước ngầm ở tỉnh Kobe và Tokyo được cho là phù hợp nhất để sản xuất rượu sake.
2. Quy trình sản xuất rượu sake
Từ xa xưa, người Nhật nấu rượu sake bằng cách xay gạo, nấu chín nó trong nước sạch rồi để ngâm.
Bởi lúc ấy chưa có kĩ thuật đánh bóng hiện đại người ta đã nghĩ ra một cách khá độc đáo: để tạo ra loại enzyme cần thiết cho quá trình ủ men rượu, mỗi người trong làng đều phải nhai gạo, nghiền nó theo phương pháp thủ công rồi nhổ vào nồi nấu rượu.
Người dân quanh vùng gọi đây là Kuchikami no sake 「口噛みの酒」theo đúng theo tính chất của rượu mà họ ủ được.
Đây chính là cách ủ rượu của chị em nhà Miyamizu trong anime Kimi no na wa nổi tiếng đó!
Vào đầu thế kỉ 16, quy trình hiện đại để sản xuất rượu sake đã gần như được hoàn thiện.
Ngày nay, quy trình sản xuất rượu sake trải qua 8 bước cơ bản:
a. Đánh bóng (Seimai) gạo và làm sạch gạo
Đầu tiên, gạo sau khi được thu hoạch và chọn lọc kỹ lưỡng sẽ được mang đi đánh bóng, mài đi một phần lớp vỏ bên ngoài. Quá trình kéo dài 2 đến 3 ngày này sẽ bỏ đi lớp gạo ngoài chứa protein và chất béo để tránh làm giảm chất lượng của rượu sake.
Tuy nhiên đánh bóng quá mức sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng cửa rượu nên người ta quy định tỷ lệ đánh bóng vào khoảng 30% đến 65% so với ban đầu là hợp lý nhất. Tỷ lệ đánh bóng sẽ là thước đo vị ngon của rượu sake và chia sake ra thành nhiều loại.
Gạo sau khi đã đánh bóng sẽ được làm sạch để loại bỏ bụi bám bên ngoài. Gạo dùng làm sake đại trà sẽ được rửa sạch chung bằng máy, trong khi đó gạo làm sake cao cấp lại được làm sạch thủ công bằng tay.
b. Ngâm gạo và nấu thành cơm
Sau khi làm sạch người ta sẽ tiến hành ngâm gạo trong một thời gian nhất định để khi nấu cơm sẽ chín đều. Phụ thuộc vào từng loại gạo, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm và hương vị sake mong muốn mà thời gian ngâm gạo sẽ khác nhau. Lượng nước mà gạo hấp thụ trong quá trình ngâm sẽ quyết định phần lớn tới chất lượng rượu sake.
Vì vậy mà khi làm những loại rượu sake cao cấp như Ginjo và Daiginjo người ta sử dụng đồng hồ bấm giờ để các định chính xác thời gian cần ngâm gạo là bao lâu.
Tiếp đó, gạo sẽ được nấu thành cơm nhằm giúp quá trình nấm Koji chuyển hóa tinh bột thành đường glucôzơ trở nên dễ dàng hơn.
c. Lên men rượu bằng nấm koji
Nấm Koji sẽ được rắc đều lên cơm. Trong quá trình nấm Koji chuyển hóa tinh bột trong cơm thành đường Glucôzơ, nhiệt độ và độ ẩm trong hầm rượu phải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt trong vòng 2 đếm 3 ngày.
Đây là một công đoạn vô cùng quan trọng quyết định độ thơm ngon của rượu sake nên người ta phải theo dõi điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm liên tục cứ 3 đến 4 giờ một lần.
d. Công đoạn Moto
Người ta đem nấm Koji, nấm men và cơm hòa cùng với nước. Đây chính là quá trình làm “men mồi” cho quá trình lên men mẻ rượu chính. Thời gian lên men của Moto là từ khoảng 2 đến 4 tuần.
e. Công đoạn Moromi (mẻ rượu chính và lên men)
Ở bước này, người ta tiếp tục cho nấm Koji, nấm men, cơm và nước vào thùng lên men Moromi. Các thành phần này không được cho vào cùng một lúc mà phải chia thành 3 giai đoạn kéo dài trong 4 ngày.
Trong hỗn hợp Moromi sẽ xảy qua “quá trình lên men song song”: nấm Koji chuyển hóa tinh bột thành Glucozơ và nấm men chuyển hóa Glucozơ thành cồn và khí CO2 cùng 1 lúc. Thời gian lên men kéo dài từ 3 đến 4 tuần.
f. Ép lấy rượu sake
Sau khi quá trình lên men hoàn tất, người ta sẽ lọc Moromi qua một tấm vải mỏng, loại bỏ phần cơm và nấm men thừa lấy sake nguyên chất. Phần cặn còn lại sau khi lọc được gọi là Sakekasu.
Sakekasu có nhiều dưỡng chất nên có thể sử dụng ăn trực tiếp hoặc làm nguyên liệu tạo ra bánh ngọt Sake Amazake, rượu Shochu hoặc làm chất tẩy rau quả.
g. Lọc rượu và khử trùng
Rượu sake sau khi ép sẽ có màu vàng nhưng vẫn chứa nhiều cặn nhỏ. Người sản xuất có thể lựa chọn có thể lọc để thi được sake trong suốt hoặc không lọc nhằm giữ nguyên vẹn hương vị tự nhiên.
Rượu sake không lọc cặn được gọi là Nigori Sake, có màu trắng đục rất đặc trưng.
Sau khi lọc, rượu sake sẽ được đem đi khử trùng 2 lần ở nhiệt độ 60-65 độ C. Mục đích của việc khử trùng là nhằm vô hiệu hóa những enzyme còn sống. Loại sake khoogn được khử trùng được gọi là Nama Sake (Sake nguyên chất) có vị ngọt cao và có thể biến đổi hương thơm.
h. Ủ rượu sake
Rượu sake được phân biệt với Shochu ở chỗ sake sẽ được ủ trong một thời gian nhất định thay vì được chưng cất.
Thời điểm tốt nhất để ủ rượu Sake chính là vào mùa đông lạnh giá. Thông thường người ta sẽ dùng lúa thu hoạch vào mùa thu để lên men rượu sake vào mùa đông và ủ rượu trong suốt mùa xuân, mùa hạ cho tới mùa thu năm sau thì xuất xưởng.
Có một điều thú vị là khi sản xuất được một mẻ rượu mới, người ta sẽ treo dưới mái hiên của các kho trữ rượu một quả cầu lớn được bó lại từ lá của cây tuyết tùng được gọi là Sugidama hay Sakabayashi. Khi màu quả cầu này chuyển từ xanh sang nâu thì cũng là lúc báo hiệu rượu sake đã sẵn sàng để thưởng thức.
3. Rượu Sake có nồng độ cồn bao nhiêu?
Có thể nói rượu Sake có nồng độ cao nhất trong các loại đồ uống lên men như bia, rượu vang,... nhưng thấp hơn hầu hết các loại rượu được chưng cất như Vodka, Rum hay Whisky,...
Nhờ quá trình lên men song song mà nồng độ cồn của rượu sake có thể đạt từ 17 đến 20%, nhưng nhà sản xuất thường pha thêm nước để hạ nồng độ cồn xuống còn 15-16% trước khi đóng chai. Loại rượu không được pha loãng gọi là Genshu có nồng độ khoảng 20% và hương vị đậm hơn.
Ở Nhật Bản Luật Thuế rượu quy định rằng nồng độ rượu Sake phải dưới 22% và sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 17 yên cho mỗi lần năm 1% nồng độ cồn. Vì vậy mà có những nhà máy rượu Sake có thể đặt nồng độ cồn ở mức 15-16% để tránh thêm thuế.
III. Những công dụng tuyệt vời của rượu Sake
1. Trong nấu ăn
- Rượu sake thường được sử dụng để khử mùi tanh cũng như làm mềm thịt, đặc biệt là các loại thịt đỏ và thịt trắng. Thịt được ướp với rượu sake trước khi nấu từ 20-25 phút sẽ giữ được hương thị thơm ngon, không còn mùi tanh.
- Nếu thêm một muỗng nhỏ rượu sake vào nước khi nấu cơm thì sau khi chín cơm sẽ dẻo, hương vị đậm đà và để được lâu hơn.
- Phết lên bánh mì một lớp rượu sake khi nướng sẽ khiến bánh giòn hơn.
- Thêm rượu sake vào nước luộc rau củ sẽ giúp rau củ giữ được màu sắc và trông tươi ngon hơn.
- Rượu sake còn có thể thay thế các loại gia vị như dầu hào, xì dầu hoặc miso, giúp tăng cường hương vị và giảm độ đắng của thức ăn.
- Ngoài ra rượu sake còn được dùng để tạo nước sốt Tera, Dashi vô cùng nổi tiếng.
- Các đồ ăn muối như: củ cải muối, gừng muối,... sẽ tăng thêm hương vị chua đặc biệt khi được dùng kèm với rượu sake.
2. Làm đẹp
Tại Nhật Bản rượu sake từ lâu đã được sử dụng để tăng cường và cải thiện sắc đẹp, đặc biệt là trong việc chăm sóc làn da. Nhờ chứa những thành phần hóa học như glycerol, axit Ferulic, axit amin, sacarit,... rượu sake có thể làm trắng da, giữ ẩm cho da, ngăn ngừa thô ráp, dị ứng và chống lão hóa. Vì vậy mà rượu sake thường được sử dụng cho mỹ phẩm và tắm tại Nhật Bản.
Đặc biệt là mặt nạ làm từ bã rượu sake và men koji chứa nhiều chất ức chế hoạt động hắc tố melanin-thứ gây ra nám, đồi mồi và tàn nhang. Bằng cách đắp mặt nạ bã rượu sake vào vùng da bị nám sẽ khiến vết nám mờ dần rồi biến mất. Người ta nói rằng những người làm việc trong nhà máy rượu sake thường có đôi bàn tay trắng, mịn cũng là vì vậy.
3. Trong chăm sóc sức khỏe cơ thể
- Nhờ chứa những chất chống oxy hóa mà rượu sake giúp người dùng tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên.
- Rượu sake giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả nhờ chứa các lợi khuẩn được sinh ra trong quá trình lên men tự nhiên.
- Glucosamine có trong rượu sake cũng giúp ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư như: ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang,...
- Giảm lượng đường trong máu, tăng cường trí nhớ và cân bằng huyết áp,...
IV. Các loại rượu sake
1. Dựa vào mức độ đánh bóng gạo
Như đã nói ở trên, hạt gạo được đánh bóng để tối đa hóa phần tinh bột bên trong, vì vậy mà rượu sake càng cao cấp thì mức độ đánh bóng gạo càng cao. Dựa vào đó người ta chia sake làm 4 loại:
- Junmai (純米): loại rượu sake nguyên chất, được làm từ gạo được đánh bóng 30%, nước tinh khiết, men koji và hoàn toàn không thêm bất cứ nguyên liệu nào khác. Junmai có vị hơi nồng, mùi thơm nhẹ, phù hợp với hầu hết các món ăn.
- Honjozo (本醸造): được sản xuất tương tự như Junmai những người ta thêm một chút cồn vào giai đoạn lên men cuối cùng để tăng thêm hương vị, vì vậy mà Honjozo có vị thanh nhẹ và mùi thơm nồng nàn hơn Junmai.
- Ginjo (吟醸): trong Ginjo có ít nhất 40% gạo được đánh bóng và có bổ sung thêm nấm men giúp rượu có hương thơm và vị nhẹ nhàng.
- Daiginjo (大吟醸): là dòng rượu sake cao cấp nhất của Nhật Bản với phương thức sản xuất vô cùng khắt khe, tỉ mỉ qua từng công đoạn. Trong Daiginjo gạo phải được đánh bóng ít nhất 50% để cho ra hương vị nhẹ nhàng, phảng phất mùi trái cây.
Ngoài 4 loại kể trên, rượu sake còn có một số loại khác như:
- Nigori Zake (にごり酒) hay Nigori: loại rượu sake không lọc, có vị hơi ngọt và màu trắng đục đặc trưng.
- Namazake (なま酒) hay Nama: “Nama” nghĩa là tươi, sống vì vậy Namazake là loại rượu sake thô, chưa tiệt trùng mang hương vị tươi mới và sảng khoái.
- Shiboritate (搾り立て): đươc sản xuất và đóng chai trực tiếp mà không qua quá trình tiệt trùng vì vậy mà Shiboritate cũng được coi là một loại Namazake. Shiboritate có hương vị vô cùng tươi mới, kết cấu sủi bọt nhẹ, nồng độ cồn vào khoảng 18%. Đặc biệt loại rượu này chỉ được bán vào mùa đông (từ tháng 1 đến tháng 3).
- Umeshu (梅酒): là loại vang ngọt có vị quả mận, được sử dụng để khai vị hoặc để tráng miệng. Có rất nhiều loại umeshu được bán trên thị trường. Nổi tiếng nhất là của CHOYA.
2. Rượu sake vẩy vàng
Hiện nay rượu sake vảy vàng là dòng rượu vô vùng được ưa chuộng. Với những lá vàng 24k được dát mỏng nhảy múa trong chai khiến loại rượu này trở nên đẹp mắt và sang trọng, vô cùng phù hợp để làm tăng thêm không khí lịch sự trong các dịp quan trọng hoặc dùng để làm quà biếu.
Những vảy vàng khi uống sẽ tự động tan trong miệng và có khả năng hấp thụ những tạp chất trong cơ thể rồi đẩy chúng ra bên ngoài qua hệ bài tiết. Rượu sake vảy vàng có công dụng tăng cường sự dẻo dai, sức đề kháng, an thần, giải độc và bồi bổ cơ thể.
V. Phong tục uống rượu sake ở Nhật
Rượu sake có thể thưởng thức cả khi lạnh cũng như khi được hâm nóng, hoặc ở nhiệt độ phòng.
- Hâm nóng: rót rượu sake vào bình gốm nhỏ Tukkuri rồi ngâm bình trong một nồi nước nóng, khi nhiệt độ rượu đạt khoảng 40-60 độ là có thể lấy ra, rót rượu sake vào cốc và thưởng thức. Lưu ý không được hâm quá nóng vì nhiệt độ cao có thể phá hủy kết cấu hương vị tinh tế của rượu.
- Làm lạnh: sake uống lạnh được giới trẻ Nhật rất ưa chuộng vì cách phục vụ đơn giản. Tất cả những gì bạn cần là là cho chai rượu vào tủ lạnh với nhiệt độ khoảng 7-10 độ C và sau đó thưởng thức hương vị tươi mát của nó.
- Nhiệt độ phòng: rượu sake để ở nhiệt độ phòng tự nhiên trung bình khoảng 15-20 độ C sẽ có hương vị rượu nguyên chất nhất vì vậy mà đây là cách uống sake được giới sành rượu ưa thích.
- Tùy vào từng loại rượu và sở thích cá nhân mà có những cách uống khác nhau. Ginjo hoặc những loại rượu sake có hương hoa quả sẽ uống ngon hơn ở nhiệt độ lạnh (khoảng 10 độ C) trong khi Junmai và Honjo thường được hâm nóng hoặc thưởng thức ở nhiệt độ phòng.
- Dưới những tán hoa anh đào, trong các buổi ngắm hoa hanami thì rượu sake ướp lạnh là đồ uống vô cùng được yêu thích. Dưới cái nóng oi ả của mùa hè, được thưởng thức sake ướp lạnh trên bãi biển thì thật là sảng khoái. Hay vào mùa đông lạnh giá, khi vừa ngâm mình trong onsen vừa nhâm nhi chén rượu sake nóng hổi thì còn gì tuyệt vời bằng đúng không nào.
- Một bộ rượu sake truyền thống bao gồm một bình gốm nhỏ gọi là tokkuri và những chiếc chén nhỏ ochoko thường được làm bằng gốm hoặc đất nung.
Trong những dịp đặc biệt thì người Nhật sử dụng một loại cốc gỗ hình vuông, làm bằng gỗ tuyết tùng, dung tích 180ml tên là Masu để uống rượu sake. Khi thưởng thức, thông thường rượu sake sẽ được rót cho đến khi tràn hộp masu.
Ngoài ra còn có chén Sakazuki (chén có miệng rộng và nông) được dùng nhiều trong các lễ cưới ở Nhật.
Ngoài ra, hiện nay người ta cũng có thể dùng ly thủy tinh nhỏ hay thậm chí là ly uống rượu vang,... để thưởng thức rượu sake. Tùy theo hình dáng, khổ ly mà từng loại đồ đựng sẽ cho những cảm nhận khác nhau khi thưởng thức loại rượu này.
- Loại ly có đường kính miệng hẹp sẽ cho cảm nhận tập trung vào phần đầu lưỡi, tạo điều kiện thưởng thức được vị ngọt, hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng của rượu sake.
- Loại ly có đường kính miệng rộng thì khi uống vào sake sẽ tràn khắp bề mặt lưỡi giúp ta cảm nhận được vị hơi chua nhẹ của rượu.
- Khổ ly càng to thì càng giữ được mùi hương phảng phất hơi cồn nhẹ nhàng ngay phía trên phần rượu.
Trong các tình huống thông thường thì không có quá nhiều quy tắc cứng nhắc khi thưởng thức rượu sake, nhưng vào các dịp quan trọng sẽ có những nguyên tắc cơ bản mà ta phải tuân thủ theo.
- Không bao giờ rót đầy cốc của bản thân.
- Cần chú ý quan sát và đảm bảo rằng cốc của mọi người trên bàn vẫn được rót đầy sau khi họ uống xong.
- Khi rót rượu cho cấp trên, giữ cổ bình tokkuri bằng tay phải, tay trái đỡ lấy phần đáy bình.
- Cấp trên được phép chỉ sử dụng một tay để rót rượu.
- Khi được cấp trên rót rượu sake, phải đỡ cốc bằng cả hai tay, một tay đỡ dưới cốc và một tay giữ vành cốc. Và nên uống ít nhất một ngụm trước khi đặt cốc xuống bàn.
VI. Có thể mua rượu sake ở đâu?
Bạn có thể dễ dàng mua rượu sake bởi nó được bày bán rất nhiều ở các cửa hàng rượu, cửa hàng rượu chuyên về sake,... Hay ngay tại cửa hàng tiện lợi và siêu thị địa phương bạn cũng có thể mua được các chai rượu sake chính hiệu. Hiện nay, với sự phát triển của internet, bạn thậm chí còn có thể đặt mua rượu sake online và được giao đến tận tay.
Rượu sake được yêu thích ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản, bạn có thể thưởng thức sake ở bất cứ đâu, từ các quán bar, nhà hàng hoặc các quán nhậu izakaya,...
VII. Những sự thật thú vị về rượu sake mà bạn có thể chưa biết
1. Rượu sake không có hạn sử dụng
Rượu sake khi chưa được mở sẽ không bao giờ bị hỏng, tuy nhiên khi đã mở nút chai thì nên uống càng sớm càng tốt để có thể thưởng thức được hương vị tốt nhất. Đặc biệt là các loại Namazake, Nigori Zake vì đây là những loại sake chưa được tiệt trùng nên cần phải được bảo quản bằng cách bọc giấy báo và giữ trong tủ lạnh. Ngược lại, các loại rượu sake đã được tiệt trùng thì có thể giữ được bao lâu tùy vào cách bảo quản. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng rượu sake nên được thưởng thức trong vòng một tháng kể từ khi mở nắp chai là tốt nhất.
2. Nada (gần Kobe ngày nay) là địa phương nổi tiếng nhất ở Nhật Bản về nấu rượu sake. Đây là nơi nổi tiếng với loại rượu sake có hương vị đậm đà, mạnh mẽ, nguyên chất.
3. Trong quan niệm của người Nhật, thần của rượu sake là thần mùa màng (vì sake được làm từ gạo).
4. Về kĩ thuật, nồng độ của rượu sake không bao giờ vượt quá 20%. Vì nấm men khi ủ rượu sake sẽ chết khi nồng độ vượt quá 20%
5. Ngành sản xuất rượu sake vẫn còn là một ngành công nghiệp nhỏ.
6. Các nhà máy rượu sake có cung cấp các tour thăm quan để mọi người có cái nhìn rõ hơn về quy trình sản xuất rượu.
7. Uống rượu sake khi ngắm hoa anh đào được gọi là Hanamizake (花見酒)
Uống rượu sake tron chén Sakazuki vào dịp đầu năm mới được gọi là Toso (屠蘇)
Vào mùa thu, khi vừa ngắm trăng tròn vừa uống rượu sake được gọi là Tsukimizake (月見酒)
Uống rượu sake trong nhà và ngắm tuyết rơi được gọi là Yukimizake (雪見酒)
8. Vào thời kì Minh Trị (1868-1912), nhà vua đã ban hành luật mới cho phép bất cứ ai có đủ nguyên liệu và khả năng nấu rượu sake đều có thể mở nhà máy sản xuất rượu, vì vậy mà trong vòng 1 năm đã có hơn 30.000 nhà máy được mở ra, tuy nhiên do liên tục bị tăng thuế nên hơn ⅔ số nhà máy đã bị đóng cửa.
9. Nhà máy rượu sake lâu đời nhất là nhà máy thuộc sở hữu của Tenryuji ở Ukyo, Kyoto.
10. Ngày 1 tháng 10 là “Ngày rượu sake” (日本酒の日)của Nhật Bản đồng thời cũng là “Ngày rượu sake thế giới”.
Không chỉ có rượu sake, còn rất nhiều nét văn hóa của Nhật Bản đáng để tìm hiểu như: văn hóa lễ hội, các món ăn truyền thống, trang phục truyền thống kimono,...
Chúc các bạn thành công trên con đường học tiếng Nhật!
🎁 CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT "KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT"
>>> Hướng dẫn giới thiệu bản thân bằng tiếng Nhật (bản chi tiết)
>>> Trọn bộ từ vựng tiếng Nhật theo chủ đề (PDF)
>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100 <<<
🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày
🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k
🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)
Bình luận
grey market darknet Abacus Market
Hillkeert lúc Thg 6 21 22 at 08:32CH