NHỮNG SỰ THẬT VỀ NHÀ VĂN NATSUME SOSEKI
Natsume Soseki (1867–1916) là nhà văn nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc và được các nhà phê bình nhắc đến như một trong ba trụ cột văn học Nhật Bản cận đại. Ông là một trong số ít những cá nhân đại diện cho sự nổi lên của Nhật Bản thời kỳ chuyển mình. Đồng thời, những tác phẩm văn học của ông lại có thể giúp công chúng định hình sự hiểu biết về bối cảnh xã hội Nhật Bản đương thời. Với những đóng góp to lớn của mình cho nền văn học nói riêng cũng như đất nước Nhật Bản nói chung, ông đã góp mặt trong Top 10 nhà văn Nhật Bản vĩ đại nhất mọi thời đại. Từng có người đáng giá rằng, tầm vóc của Natsume Soseki tương tự như Mark Twain, nhà văn khôi hài bậc nhất của Hoa Kỳ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Natsume Soseki như thế nào? Điều gì đã tạo nên thành công và đem lại tên tuổi cho ông? Ông đã chắp bút cho những tác phẩm nổi bật nào? Hãy cùng Sách 100 đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này ngay bây giờ nhé!
Natsume Soseki là ai?
Bối cảnh gia đình và thời thơ ấu
Natsume Soseki (夏目 漱石) sinh ngày 9 tháng 2 năm 1867. Tên khai sinh của ông là Natsume Kinnosuke (夏目 金之助). Ông ra đời dưới thời Edo và chính tại thành phố Edo, Nhật Bản. Chỉ một năm sau đó, thành phố được đổi tên thành Tokyo khi sự kiện Duy tân Minh Trị nổi lên và đánh dấu sự ra đời của thời kỳ Minh Trị.
Gia tộc Natsume của ông đã mất địa vị samurai từ lâu. Cha của Kinnosuke là một quan chức địa phương không có vai trò, uy quyền gì lớn. Là đứa con thứ sáu và cũng là đứa con cuối cùng của cặp cha mẹ lớn tuổi trong thời kỳ gia tộc suy yếu, xã hội dần biến đổi do chịu ảnh hưởng của phương Tây, ông bị coi như một gánh nặng và sự ra đời của ông không hề được chào đón, mong chờ. Kinnosuke đã được gửi cho một gia đình người quen ở Shinjuku để làm con nuôi khi còn là một đứa trẻ 2 tuổi. Cậu bé Kinnosuke đã dành khoảng tám năm với cha mẹ nuôi, những người có vấn đề hôn nhân nghiêm trọng, và cuối cùng trở về quê hương của mình khi lên tám. Những trải nghiệm đầu đời này cùng với những suy ngẫm về tình cảm phức tạp sẽ xuất hiện trong phần lớn các tác phẩm văn học trong tương lai của đại văn hào này.
Cuộc sống
Dù sống trong hoàn cảnh gia đình phức tạp nhưng ông lại học rất giỏi, luôn thể hiện tố chất của một con người tài năng. Đặc biệt, ông có thiên phú về ngôn ngữ, ngoại ngữ. Từ khi còn là học sinh ông đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học khác và hỗ trợ dịch cuốn Hojoki (một loại sách ghi chép lại lịch sử thời đó của Nhật Bản) sang tiếng Anh. Sau đó, ông thi đỗ vào khoa Anh Ngữ của trường đại học nổi tiếng nhất lúc bấy giờ tại Nhật – Đại học Đế Quốc Tokyo. Thời đang là sinh viên, không may thay, cả 2 người anh trai của ông đều mất. Ông bị ảnh hưởng nặng về tinh thần và luôn cảm thấy bi quan.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Natsume Soseki đã đảm nhận một số công việc giảng dạy nông thôn ở Shikoku và Kyūshū. Đây là những trải nghiệm sẽ truyền cảm hứng cho một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn về sau.
Năm 1896, ở tuổi hai mươi chín, ông kết hôn với Nakane Kyoko, người kém ông mười tuổi. Hai người đã có với nhau sáu đứa con, và vẫn sát cánh bên nhau bất chấp những khác biệt về tính khí và những khó khăn, rắc rối.
Ảnh chân dung của Natsume Soseki và vợ Nakane Kyoko
Năm 1900, Soseki được chính phủ cử đến Anh để nghiên cứu văn học Anh. Tuy nhiên, nó không giống như học bổng từ chính phủ bây giờ. Chính phủ Nhật hồi đó chỉ hỗ trợ một phần chi phí. Natsume Soseki đã phải ăn bánh thay cơm để không bị chết đói và trải qua những tháng ngày vất vả. Trong thời kỳ du học, ông luôn ở trong trạng thái sợ hãi, bất an về cuộc sống. Chính bản thân ông cũng đã từng chia sẻ “2 năm du học ở Anh là 2 năm khó khăn nhất của cuộc đời”. Thậm chí, ông được chẩn đoán là có các triệu chứng suy nhược thần kinh. Không chỉ vậy, có thể chính cuộc sống khó khăn này là nguyên nhân sâu xa của căn bệnh dạ dày đã dẫn đến sự ra đi của ông ở tuổi 49.
Từ những sự kiện trong cuộc đời của mình cũng như ảnh hưởng của xã hội lúc bấy giờ, ngòi bút của Natsume Soseki thường mang sắc thái mỉa mai, châm biếm. Đó cũng là sự phản ánh tính khí u uất, của bản thân đại văn hào.
Sự nghiệp
Sau khi du học từ London trở về, Natsume Soseki trở thành giáo sư khoa văn. Trên thực tế, dù đã về nước, ông vẫn chưa thoát khỏi cảm giác bất an, lo lắng đã đeo bám trong thời gian dài. Ông được một người khác khuyên thử viết truyện để có thể cảm thấy thoải mái hơn. Điều này đã giúp ông chắp bút nên được nhiều áng văn chương nổi tiếng và để lại cho thế hệ sau những tác phẩm danh giá.
Song song với công việc giảng dạy của mình, Natsume Soseki đã có được sự hoan nghênh của giới phê bình cho cuốn tiểu thuyết ngẫu hứng có tựa đề “Tôi là con mèo" (Wagahai wa Neko dearu - 吾輩は猫である). Và thậm chí còn được đánh giá cao hơn trong cuốn tiểu thuyết thứ hai, “Cậu ấm" (Botchan - 坊っちゃん), với nhân vật chính trẻ đầy tinh thần được nhiều người ngưỡng mộ.
Hai tác phẩm đầu tay của Natsume Soseki
Khi ông cam kết tập trung với sự nghiệp văn học, Natsume Soseki từ chức trường đại học của mình. Nhà văn bắt tay vào sự nghiệp mười 10 với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp trong biên chế của Asahi Shimbun, một trong những tờ báo hàng đầu Nhật Bản và cũng là tòa báo lớn nhất Tokyo. Trong suốt một thập kỷ, Natsume Soseki đã xuất bản một loạt tiểu thuyết, ban đầu xuất hiện trên số báo hàng ngày. Do đó, có thể nói rằng, các tác phẩm của Natsume Soseki đã trở thành một phần trong chế độ ăn uống hàng ngày của hàng triệu người dân Nhật Bản.
Sau khi trở nên nổi tiếng, Natsume Soseki có nhận thêm 1 đệ tử là Akutagawa Ryunosuke – người này cũng trở thành 1 nhà văn nổi tiếng của Nhật về sau.
Từ năm 1908, Soseki bị tái phát bệnh suy nhược thần kinh ông mắc phải từ thời kỳ còn du học ở nước Anh. Thêm vào đó, ông còn thường xuyên bị những cơn đau dạ dày hành hạ triền miên. Tuy vậy, nhà văn vẫn tiếp tục viết không ngừng nghỉ trong nỗ lực chạy đua với tử thần và lần lượt những tác phẩm xuất sắc nảy sinh từ mỹ cảm truyền thống yojo (dư tình) và mono no aware (bi cảm, cảm xúc xao xuyến trước những bi ai não lòng của sự vật) ra đời như “Cánh cửa” (Mon - 門) vào năm 1910, “Người đi đường” (Kojin - 行人) vào năm 1913, “Trái tim” (Kokoro - こゝろ) vào năm 1914, “Cỏ ven đường” (Michikusa - 道草) vào năm 1915.
Ngày 9 tháng 12 năm 1916, đại văn hào Natsume Soseki qua đời vì bị thủng dạ dày trong khi vẫn đang viết dở dang một trong những tác phẩm lớn nhất đời ông, cuốn “Sáng tối” (Meian - 明暗).
Thành tựu nghệ thuật của Natsume Soseki
Với tình yêu mãnh liệt cho văn học cổ điển Nhật Bản và khả năng thông thạo tiếng Anh, Natsume Soseki đại diện cho cả thế hệ nhà văn được sinh ra và trưởng thành mạnh mẽ trong bối cảnh văn hóa phương Tây đang len lỏi, thẩm thấu vào từng ngóc ngách trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.
Cùng với Mori Ogai và Masaoka Shiki, Natsume Soseki cũng là nhà văn tiên phong trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa tự nhiên (shizenshugi) Nhật Bản. Các nhà văn này theo đuổi trường phái tâm lý cao sang, Dư dụ phái (yoyuha). Bằng nỗ lực sáng tạo những tác phẩm văn chương "chan chứa cảm tình khiến người đọc phải bồi hồi xúc động, lưu luyến khó quên, hoặc nói cách khác, đọc một lần rồi thì lời văn nằm lại mãi trong lòng mọi người", ông đã thể hiện tinh thần chống lại chủ nghĩa tự nhiên bằng chính ngòi bút của mình.
Di sản sáng tác của Natsume Soseki rất đồ sộ, đa dạng và đặc sắc bao gồm nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn kỳ ảo, thơ haiku và các tiểu luận văn chương. Ở những tiểu thuyết và truyện ngắn về sau, nhà văn nhấn mạnh đặc biệt yếu tố xúc cảm trong sáng tạo nghệ thuật. Lần lượt nhiều tiểu thuyết tâm lý ra đời với những cuộc tình tay ba là đề tài chủ đạo. Trên lĩnh vực lý luận văn học, phong cách Natsume Soseki là ví dụ điển hình cho sự hòa trộn tri thức lý luận của cả phương Đông lẫn phương Tây bằng việc dùng kiến thức văn học Anh để tạo dựng lý thuyết văn chương cho chính mình và những đồ đệ theo trường phái mà ông khởi xướng.
Trong sự nghiệp của mình ông đạt được nhiều thành tự vĩ đại, mang đến cho thế hệ sau những tác phẩm văn học, truyện ngắn, thơ và cả những quan điểm nghiên cứu vô cùng xuất sắc.
Các tác phẩm làm nên tên tuổi của Natsume Soseki
Sự nhạy cảm nhạy bén của ông đối với các vấn đề và cạm bẫy của các mối quan hệ xã hội - đặc biệt là trong bối cảnh hôn nhân và gia đình - và tác động ăn mòn của chủ nghĩa vị kỷ, lòng kiêu hãnh sai lầm và sự ngờ vực sẽ tô đậm màu sắc cho những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của đại văn hào.
Tôi là con mèo
Đây chính là tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của Natsume Soseki trong chặng đường sáng tác văn chương của mình. Tiểu thuyết “Tôi là con mèo” (Wagahai wa Neko dearu - 吾輩は猫である) gồm 11 chương, được Natsume Soseki cho ra đời vào năm 1905. Khoảng thời gian này là thời kỳ căng thẳng trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905).
Gần 600 trang truyện là toàn bộ lời kể của ngôi thứ nhất, cũng chính là nhân vật con mèo không tên. Con mèo trong tác phẩm là một nhân vật có dáng vẻ chua ngoa, khệnh khạng, trâng tráo. Nó dám mắng cả ông chủ và bạn của ông chủ là đồ ngu ngốc. Nó tự cho nó là kẻ lõi đời, và con người, bao gồm cả ông chủ, gia đình và bạn bè ông ấy, là những kẻ thiển cận dốt nát. Tác phẩm mượn lời kể của con mèo để kể về diện mạo điển hình của tầng lớp trí thức Nhật Bản dưới thời Minh Trị với giọng điệu trào phúng. Con mèo quan sát và lắng nghe các nhà khoa học trai cãi trong phòng ông giáo, về sự lười nhác, tẻ nhạt đến kệch cỡm trong lối sống, sự lười nhác trong học thuật của những con người trí thức đó.
Tiểu thuyết “Tôi là con mèo" phiên bản được dịch sang tiếng Anh
Cuốn tiểu thuyết đã đem lại thành công rực rỡ cho Natsume Soseki. Và đồng thời, đã góp phần thôi thúc tác giả, người mà lúc bấy giờ đang có ý định theo đuổi nghiệp viết văn một cách nghiêm túc, ngay lập tức chuyển sang dự án văn chương tiếp theo của mình.
Cậu ấm
“Cậu ấm" (Botchan - 坊っちゃん) được viết trong khi tác giả vẫn đang làm công việc giảng dạy tại trường đại học. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông, được viết dựa trên những trải nghiệm cá nhân của tác giả với tư cách là một giáo viên ở tỉnh Shikoku. Cuốn truyện có lời kể ở ngôi thứ nhất về một chàng trai trẻ được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ không yêu thương, những người coi anh ta là kẻ hoang dã và cứng đầu. Duy chỉ có Kiyo, người giúp việc tận tụy của anh, mới nhìn thấy những điều tốt đẹp ở cậu ấm này. Tên cuốn tiểu thuyết đề cập đến cái tên, gần giống với "cậu bé trai" mà Kiyo trìu mến gọi nhân vật chính.
“Botchan” từ lâu đã giữ một vị trí đặc biệt trong lòng độc giả Nhật Bản. Chủ yếu là nhờ vào lối miêu tả đáng yêu của nhà văn về nhân vật chính trẻ tuổi. Ông đã khắc hoạ và xây dựng nên một con người có nguyên tắc và can đảm, người không thể ngồi yên mà không đối đầu với những kẻ sai trái trên cương vị quyền lực.
Khi được dịch sang tiếng Việt, cũng có phiên bản truyện được lấy nhan đề là “Cuộc nổi loạn ngoạn mục” hay “Cậu ấm ngây thơ". Do đó, nếu bạn muốn tìm tác phẩm này bằng tiếng Việt thì có thể tham khảo những cái tên này.
Nỗi lòng
Tác phẩm “Nỗi lòng” (こゝろ) được dịch và xuất bản ra nhiều thứ tiếng
“Nỗi lòng” (Kokoro - こゝろ ) là tiểu thuyết phát hành năm 1914 của Natsume Soseki và đồng thời cũng là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông. Khi đăng định kỳ trên báo Asahi Shimbun, tiểu thuyết được đăng dưới tựa “Nỗi lòng: Di thư của Tiên sinh” (心 先生の遺書 - Kokoro: Sensei no Isho). Song, khi xuất bản dưới hình thức tiểu thuyết, tựa đề tác phẩm được rút ngắn lại chỉ còn Kokoro, và dùng hiragana (こゝろ, sau chiến tranh là こころ).
Khác với giọng văn châm biếm, trào phúng ở những tác phẩm đầu tay, “Nỗi lòng” là thiên truyện thể hiện nỗi cô đơn của con người trong một thế giới mới. Đó cũng chính là cảm giác lẻ loi của tác giả trong kiếm tìm chỗ đứng trong thế giới biến chuyển giữa Nhật Bản truyền thống và Tây phương hiện đại. Trong thế giới mà tác giả chỉ bắt gặp những người tẻ nhạt, rỗng tuếch mà không có tâm hồn.
Tác phẩm kinh điển nhất của Natsume Soseki khi được dịch sang tiếng Việt
Tại Nhật Bản, cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim, truyện tranh, hoạt hình và kịch sân khấu. Điển hình có bộ phim điện ảnh năm 1955 bởi Ichikawa Kon và hai tập phim đạo diễn bởi Miya Shigeyuki trong loạt anime Aoi Bungaku.
Cỏ ven đường
Đây chính là cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh cuối cùng của Natsume Soseki, và cũng là cuốn tự truyện rõ ràng, chân thực nhất về cuộc đời của nhà văn.
Một cuốn sách đào sâu vào sự phức tạp, đen tối trong tính cách con người. Nhân vật chính, Kenzo – một giáo sư trường đại học, từng đi du học ở nước Anh, được tiếp thu những nền văn hóa tiên tiến của thế giới, nhưng không tránh khỏi những suy nghĩ đầy định kiến, mang nặng yếu tố Nho giáo truyền thống.
“Cỏ ven đường” phản ánh nội tâm của giới tri thức nói chung và phần nào cũng là tự sự của chính tác giả. Cuốn tiểu thuyết chủ yếu được chuyển tải thông qua người chồng, Kenzo. Anh là một trí thức tự phụ, cáu kỉnh, người có xu hướng suy tư u uất về quá khứ của mình, luôn bị bao vây bởi những ký ức đầy ám ảnh về thời thơ ấu không mấy hạnh phúc cũng như chịu ảnh hưởng của một xã hội đan xen truyền thống và hiện đại.
Dấu ấn của Natsume Soseki trong lòng công chúng
Dấu ấn của Natsume Soseki trong lòng công chúng
Natsume Soseki gắn với hình ảnh gương mặt để râu đặc trưng
Để tôn vinh những cống hiến của Natsume Soseki cho sự nghiệp hiện đại hóa nền văn học Nhật Bản, chân dung của ông được Chính phủ Nhật Bản in trên đồng tiền giấy một nghìn Yên phát hành trong khoảng thời gian 20 năm từ năm 1984 đến năm 2004.
Chân dung của Natsume Soseki được in trên tờ 1000 Yên trong 20 năm
Vào thế kỷ 21, mối quan tâm của công chúng toàn cầu đến Natsume Soseki đã dần nổi lên. Tác phẩm “Nỗi lòng" của nhà văn đã được xuất bản với 10 thứ tiếng. Ở các nước nói tiếng Anh, đã có nhiều bản dịch các tác phẩm của ông ra tiếng Anh kế tiếp nhau kể từ năm 2008. Bên cạnh đó, khoảng 60 tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Lý do cho sự quan tâm ngày một tăng lên của công chúng thế giới này một phần là do nhà văn Haruki Murakami, một hiện tượng toàn cầu của văn học Nhật Bản hiện đại. Haruki Murakami đã nói rằng Natsume Soseki chính là tác giả Nhật Bản yêu thích của mình.
Các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng
Đại văn hào còn được lấy làm nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, truyện tranh, phim, kịch, trò chơi,... Có thể nhắc đến tựa game The Great Ace Attorney 1 và 2, đây là trò chơi có sự xuất hiện của ông như một nhân vật. Trong manga và anime Bungou Stray Dogs, một nhân vật được đặt tên và dựa trên nhà văn Soseki. Để tỏ lòng kính trọng với cuốn tiểu thuyết cùng tên của mình, nhân vật của Soseki sử dụng khả năng “I Am a Cat” cho phép nhân vật biến thành một con mèo tam thể.
Ngoài ra, công chúng sau này còn biết đến nhà văn qua câu chuyện liên quan đến cách tỏ tình rất tinh tế, uyển chuyển. Người ta kể rằng, Natsume Soseki từng khuyên học trò không nên dịch từng “I love you” trong tiếng Anh thành “Anh yêu em”, bởi nếu dịch như vậy nghe rất sỗ sàng. Người Nhật thời Minh Trị nói riêng và phong thái của người Nhật nói chung đều có xu hướng thể hiện tình cảm ý nhị hơn. Ông đã khuyên học trò đừng quá đặt nặng mặt chữ, thay vào đó, hãy thử biểu ý gián tiếp, thoát ý hơn. Chẳng hạn「月が綺麗ですね。」/ “Tsuki ga kirei desu ne?”, dịch nghĩa trong tiếng Việt là “Trăng hôm nay đẹp nhỉ?”. Cách dịch của Natsume Soseki khiến người Nhật nghe câu chuyện này xong thì cực kỳ tâm đắc. Cũng từ đó mà “Trăng hôm nay thật đẹp” hay “Tsuki ga kirei desu ne?” đã trở thành một lời tỏ tình rất được các người Nhật cũng như những người quan tâm và yêu thích văn hoá xứ sở hoa anh đào rất ưa chuộng.
Tượng đài tại Shinjuku, nơi mà Natsume Soseki được sinh ra
Tượng chân dung của Natsume Soseki tại công viên mang tên ông
Natsume Soseki là một nhà văn Nhật Bản nổi tiếng với thế hệ tri thức theo xu hướng sáng tạo văn hóa của cuộc đối đầu phương Đông và phương Tây trong thời kỳ Minh Trị. Ông đã có đóng góp to lớn cho nền văn học đất nước Nhật Bản thời kỳ đương đại dù chỉ hoạt động sáng tác trong 10 năm cuối đời mình.
Để có thể hiểu hơn về con người cũng như phong cách nghệ thuật của Natsume Soseki, bạn hãy tìm đọc những tác phẩm của ông. Có thể nói, văn chương của ông thấm đượm chất nghệ thuật nhưng đồng thời câu từ và cách diễn đạt cũng rất đỗi mộc mạc, dễ đi vào lòng người.
Và đó là toàn bộ những sự thật phía sau nhân vật đã xuất hiện trên tờ tiền 1000 Yên - Natsume Soseki - mà Sách 100 muốn giới thiệu đến các bạn.
Hãy theo dõi Sách 100 và đồng hành cùng chúng mình để có thể tìm hiểu thêm nhiều bài viết và thông tin liên quan đến Nhật Bản thú vị khác. Hẹn gặp các bạn trong những bài viết lần sau.
>>> Dazai Osamu - Cuộc đời đau thương của Đại văn hào Nhật Bản