“KAGOME KAGOME” - TRÒ CHƠI DÂN GIAN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN RỢN NGƯỜI ĐẰNG SAU
Trong chúng ta có ai mà không từng một thời cùng lũ bạn ríu rít tụm năm tụm ba chơi các trò chơi dân gian đầy lôi cuốn đúng không nào. Những trò chơi dân gian thú vị ấy lấp đầy tuổi thơ của mỗi chúng ta với bao nhiêu niềm vui và vô vàn kỷ niệm khó quên. Nếu như trẻ con Việt Nam thường chơi các trò như ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chơi truyền,... thì ở Nhật Bản các trò như đánh cầu (hanetsuki), đập giấy (menko), kagome kagome, đánh bài (hanafuda), bắt bóng bằng cốc (kendama) đều được trẻ em Nhật Bản vô cùng yêu thích. Trong số đó, kagome kagome là một trò chơi hấp dẫn, thú vị và có phần kì bí. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được ý nghĩa ẩn dấu đằng sau trò chơi dân gian kinh điển này.
Trong bài viết ngày hôm nay, Sách 100 sẽ cùng bạn tìm hiểu về trò chơi dân gian Kagome Kagome và những câu chuyên rùng rợn xoay quanh trò chơi này nhé!
1. Trò chơi kagome kagome là gì?
Kagome kagome là một trò chơi dân gian vô cùng quen thuộc của trẻ em Nhật Bản. Không quá nếu nói rằng tất cả trẻ con bất kể vùng miền trên đất nước mặt trời mọc đều đã chơi qua trò này.
Theo nhiều tài liệu, Kagome kagome là một trò chơi dân gian đươc lưu truyền từ thời Edo. Trải qua nhiều thế kỷ, trò chơi Kagome nhiều lần thay đổi và cuối cùng trở thành phiên bản như hiện nay. Người ta cho rằng phiên bản Kagome thời Edo rất khác so với phiên bản thời Minh Trị và hiện tại.
Trò chơi Kagome có nhiều điểm tương đồng với trò bịt mặt bắt dê hay vòng quanh sô cô la của Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì người đứng giữa vòng tròn sẽ rượt đuổi những người còn lại thì trong Kagome kagome, người làm Oni sẽ phải đoán đúng tên người đứng sau lưng mình.
2. Cách chơi trò chơi kagome
Kagome kagome là trò chơi dân gian có thể chơi được ở cả trong nhà và ngoài trời. Số lượng người chơi không giới hạn, từ nhóm nhỏ 5~7 người cho đến nhóm đông người hơn. Luật chơi cũng vô cùng đơn giản:
Người chơi sẽ chơi kéo búa bao để quyết định người làm Oni (quỷ).
Người làm Oni sẽ phải ngồi xổm ở giữa và bịt mắt lại trong khi những người còn lại vừa nắm tay nhau xoay tròn xung quanh vừa hát vang bài hát đồng dao “Kagome kagome”
Khi hát xong bài hát, vòng xoay sẽ dừng lại và Oni phải đoán ai là người đứng sau lưng mình. Nếu Oni đoán đúng, người đó sẽ phải thay chỗ Oni, nếu đoán sai thì trò chơ sẽ tiếp tục. Giả sử, sau nhiều lần mà Oni vẫn chưa đoán đúng tên người phía sau mình thì một vài gọi ý sẽ được đưa ra, ví dụ như “người này là con trai”, “người này buộc tóc đuôi ngựa”, “người này rất cao”,...
Dưới đây là lời bài hát “Kagome kagome” - bài đồng dao dành riêng cho trò chơi dân gian này.
「♪かごめかごめ
Kagome kagome
籠の中の鳥はいついつ出やる
Kago no naka no tori wa itsu itsu deyaru
夜明けの晩に
Yoake no ban ni
鶴と亀がすーべった
Tsuru to kame ga subetta
後ろの正面だーあれ」
Ushiro no shoumen dare?
Tạm dịch:
Kagome Kagome
Không biết khi nào chú chim sẽ sổ lồng đây nhỉ?
Trong đêm tối khi chân trời hé rạng đông
Sếu và rùa đều trượt ngã
3. Lý giải cái tên "kagome kagome"
Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho cái tên “Kagome kagome”. Trước tiên, trong tiếng Nhật 籠目 (kagome) có nghĩa là các mắt nan được tạo ra bởi các nan tre đan vào nhau (籠: cái lồng, cái giỏ;目: mắt). Nếu hiểu theo nghĩa này thì có thể Kagome liên quan đến cái lồng nhốt con chim trong câu 「籠の中の鳥はいついつ出やる」.
Hơn nữa, các mắt nan này thường có hình một ngôi sao 6 cánh hay ngôi sao David - một biểu tượng của người Do Thái. Các thầy phù thủy cho rằng, ngôi sao Divid là một loại bùa chú đặc biệt bảo vệ con người trước tà ma và quỷ dữ.
Cũng có người lại cho rằng “Kagome kagome” ở đây là do người xưa phát âm sai từ “Kakome” trong câu「(鬼を)囲め、囲め」(Bao vây con quỷ). Ngoài ra, cũng có thể kagome ở đây là để chỉ 籠女 - người phụ nữ đang mang bầu có cái bụng to như đang ôm một cái lồng hoặc người phụ nữ bị ép làm gái mại dâm và bị cầm tù trong các nhà thổ thời trước.
4. Bài hát đồng dao "kagome kagome" có ý nghĩa gì
Lời bài hát đống dao “Kagome kagome” gây nhiều tranh cãi bởi sự mơ hồ pha chút đen tối, u ám. Bài hát này đem lại cảm giác rợn người khó hiểu cho người nghe.
Có rất nhiều cách hiểu lời bài hát đồng dao này, tuy nhiên dưới đây là những cách hiểu phổ biến nhất.
「♪籠の中の鳥はいついつ出やる」
Trong trường hợp Kagome mang nghĩa là người phụ nữ mang thai, có thể hiểu 鳥(tori: con chim) ở đây chính là đứa bé trong bụng. Và câu 「いついつ出やる」là để hỏi khi nào đứa bé ra đời.
Có người lại cho rằng, 鳥 (tori) ở đây là phép ẩn dụ cho “Torii” -cổng trời thường thấy tại lối vào các đền thờ Thần đạo của Nhật Bản. Trong khi đó 籠 (kago) dùng để chỉ các hàng rào làm bằng tre. Do đó, 籠の中の鳥 có nghĩa là cổng trời được bao quanh bởi hàng rào tre.
「♪夜明けの晩に」
夜明け có nghĩa là bình minh, rạng đông và 晩 nghĩa là buổi đêm. 2 từ trái ngược nhau mà lại được kết hợp với nhau, vì vậy có thể nói 夜明けの晩 đề cập đến một thời điểm không tồn tại, không có thật. Đây là điềm báo rằng đứa bé trong bụng người phụ nữ kia sẽ không bao giờ được cất tiếng khóc chào đời.
「♪鶴と亀がすーべった」
Trong văn hóa dân gian, sếu và rùa vốn là 2 linh vật tượng trưng cho sự trường thọ, phồn vinh. Vậy mà trong câu hát này, sếu và rùa đều trượt ngã khiến ta có cảm giác đã xảy ra điềm gở. Rất có thể người mẹ mang thai đã trượt ngã và đứa bé trong bụng cũng không giữ được.
「♪後ろの正面だーあれ」
Người đứng đằng sau người phụ nữ mang thai là ai, liệu có phải chính người này đã đứng đằng sau và đẩy cô xuống?
Bài đồng dao Kagome kagome chứa đầy những cặp từ đối lập như:
夜明け (bình minh) và 晩 (đêm tối)
籠 (sếu) và 亀 (rùa) một loài tượng trưng cho trời, một loài tượng trưng cho đất, sếu và rùa còn là biểu tượng của hai thái cực âm - dương;
後ろ (phía sau) và 正面 (chính diện, phía trước)
Dù đối lập nhưng chúng đồng thời cùng tồn tại và tạo nên thế giới này.
5. Những câu chuyện rùng rợn xoay quanh trò chơi dân gian kagome
Kagome kagome đã không nổi tiếng đến thế nếu như không có các câu chuyện truyền miệng bí ẩn, rùng rợn xoay quanh nó. Mặc dù chỉ là những giả thuyết không rõ căn cứ nhưng chúng thực sự sẽ khiến bạn phải suy nghĩ về ý nghĩa đằng sau trò chơi dân gian bí ẩn này đó!
1. Những cô gái mại dâm bị cầm tù trong các khu phố đèn đỏ
Có câu chuyện cho rằng lời bài hát Kagome kagome là ám chỉ người phụ nữ bị ép làm gái mại dâm trong các khu phố đèn đỏ. Giống như chú chim bị nhốt trong lồng, cô bị cầm tù tại các nhà thổ và không làm cách nào để thoát ra (籠の中の鳥). Kagome ở đây chính là mắt lưới của những song sắt, giam cầm cuộc đời cô mãi mãi.
Cô đã phải mui vui phục vụ rất nhiều khách làng chơi, nhiều đến nỗi cô không thể nhớ hết gương mặt của bọn họ, cô tự hỏi “Ai là người đứng sau” (ý chỉ người tiếp theo trong hàng dài những khách làng chơi mà cô phải đón tiếp). 「いついつ出やる」cô gái đáng thương bất lực tự hỏi liệu bao giờ cô mới có thể trốn thoát khỏi đây. Liệu cái ngày cô được thả tự do có đến?
2. Kagome kagome - khi mạng sống được quyết định bởi một trò chơi
Người xưa kể lại rằng hồi bấy giờ, nước Nhật còn chìm trong đói nghèo, lương thực vô cùng khan hiếm. Nhiều ngôi làng vì quá thiếu thốn thức ăn nên đã nghĩ ra một trò chơi gọi là Kagome kagome. Theo luật chơi, người làm Oni nếu đoán sai tên người đứng phía sau sẽ phải nhận thua và chịu hình phạt vô cùng ghê rợn là trở thành thức ăn cho cả làng.
3. Người phụ nữ và cái thai không bao giờ được sinh ra
Ngày xửa ngày xưa, bà mẹ trong một gia đinh giàu có nọ cuối cùng đã hạ sinh đứa con trai đầu lòng sau bao nhiêu năm tháng chờ đợi. Đứa bé lớn nhanh như thổi và chẳng mấy chốc đã trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú.
Trong một đêm tối trăng tĩnh lặng, anh lẻn được vào nhà bạn gái và ngủ với cô (đây là tục lệ thời Minh Trị: người con trai lẻn vào ngủ với bạn gái vào ban đêm). Ít lâu sau, bụng cô gái to dần to dần, đúng vậy cô đã mang thai! Anh chàng liền đưa cô gái về nhà và nói với bố mẹ rằng “Con muốn lấy cô ấy làm vợ”. Tưởng như đôi trai gái sẽ có được kết thúc tốt đẹp với một đám cưới hạnh phúc, nào ngờ nhà trai đã bí mật điều tra và phát hiện ra cô gái này có thân thế không mấy trong sạch.
Bà mẹ vì quá lo lắng cho danh dự của gia đình mình nên đã lên kế hoạch sát hại con dâu. Đêm tối nọ, bà ta giả vờ nhờ con dâu đi xuống tầng lấy giúp bà món đồ, cô gái ngoan ngoãn nghe lời mẹ chồng đi xuống cầu thang, đột nhiên một bàn tay vươn ra từ bóng tối tàn nhẫn xô vào lưng cô một cái thật mạnh. Cô gái và đứa trẻ đáng thương vẫn còn trong bụng mẹ đã chết.
Người con trai khi hay biết tin đã vô cùng đau buồn quỳ xuống bên xác vợ con mà gào thét rằng “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”, anh tin rằng sớm thôi người giết hại vợ con anh sẽ gặp quả báo.
Bà mẹ vẫn dửng dưng trưng ra bộ mặt giả tạo, nhưng bà ta đau biết rằng có người đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Tuy nhiên, nếu nói ra ai là hung thủ thì chắc chắn sẽ bị trả thù một cách dã man, nên người này gặp ai cũng nói bóng gió rằng “Cô gái kia chết không phải vì trượt chân ngã, mà có kẻ đứng sau đã đẩy cô. Kẻ đó là ai đây nhỉ?”. Dần dần câu nói này trở thành bài đồng dao được lũ trẻ con ngây thơ hát đi hát lại và trở thành trò chơi “Kagome kagome” như ngày nay.
Mỗi lần nghe thấy bài hát này vang lên lúc lũ trẻ con trơi đùa, hẳn bà mẹ độc ác kia sẽ phải cảm thấy vô cùng lo lắng và sợ hãi. “Ai là người đứng đằng sau~. Người đằng sau là ai nhỉ~” - những câu hát ám chỉ liên tục lặp lại này sẽ ám ảnh bà ta đến cuối đời.
4. Trước giây phút bị xử tử
Trong câu chuyện này, 籠の中 chính là buồng giam và con chim là một tù nhân đang chờ đến ngày bị hành quyết. 「鶴と亀がすーべった」ám chỉ tài sản và cuộc sống của người này đã chuẩn bị kết thúc. 「後ろの正面だーあれ」là tù nhân tự hỏi người đứng sau cầm đao kề vào cổ mình là ai.
5. Những dòng chữ bằng máu
Trong ngôi làng nọ, có 2 cô bé cậu bé chơi rất thân với nhau. Đến một này, trong làng xảy ra một vụ án mạng, thương thay nạn nhân lại chính là cô bé kia. Người thân cô bé kể lại rằng họ phát hiện thi thể cô bé trên giường, bao quanh là một vũng máu. Điều kỳ quái là cô bé chết trong tư thế giống như đang ngồi xổm, hai chân co lại, tay và đầu úp chặt vào đầu gối, mắt cô bé trợn trừng trắng dã và môi cong lên cười. Cô bé không có bất cứ vết thương nào trên người và bên cạnh giường cô là lời bài hát đồng dao kaTome được viết bằng máu. Vì quá sợ hãi cho tính mạng của đứa con trai, gia đình cậu bé kia đã quyết định chuyển qua một ngôi làng khác sinh sống. Vài năm đã trôi qua kể từ ngày chết của cô bé, một hôm khi đnag chơi trong khu rừng phía sau nhà, cậu bé đã bị một đám người vây quanh, vừa xoay vòng họ vừa hát một bài hát kỳ lạ. Điều bất ngờ là trong đám người ấy, cậu bé nhìn thấy người bạn thân của mình ngày nào, dù cô bé đã chết được vài năm.Kể từ đó, không ai còn thấy cậu bé ấy nữa.
6. Bài hát kinh dị "kagome kagome" - Vocaliod
Nếu là fan của vocaloid hẳn bạn ít nhất một lần đã nghe qua “Kagome kagome” - bài hát được lấy cảm hứng từ trò chơi kagome và câu chuyện những đứa trẻ mô côi trở thành nạn nhân của những thí nghiệm vô nhân đạo:
https://www.youtube.com/watch?v=qyx6LKtSr6s
Trong thế chiến thứ 2, Đức Quốc xã đã tiến hành nhiều thí nghiệm tàn nhẫn lên người, kể cả phụ nữ và trẻ em. Vào năm 1942, các nhà khoa học Đức đã chọn một trại trẻ mồ côi ở Hiroshima Nhật Bản để tiến hành thí nghiệm với mục đích tạo ra người bất tử. Trong tiến trình này, nhiều em nhỏ bị biến thành thương tật, thậm chí tử vong và thi thể không nguyên vẹn của chúng bị vất bỏ trong khu rừng phía sau trại mồ côi, không một ai chôn cất. Bởi vì mô côi nên họ cho rằng sẽ chẳng ai quan tâm nếu như chúng mất tích.
Người ta cho rằng linh hồn của những đứa trẻ xấu số ấy đã ám khu rừng, bất cứ ai lảng vảng đến đây sẽ bị chúng kéo vào một trò chơi tên là “Kagome kagome”. Trò chơi này mô phỏng lại cách mà các em nhỏ bị lôi kéo vào phòng thí nghiệm, bị vây quanh bởi các bác sĩ - những kẻ độc ác thực hiện thí nghiệm vô nhân tính lên các em.
Như các bạn có thể thấy trong bức tranh trên, Rin chính là đứa bé bị cắt bỏ cánh tay, Len là cậu bé có hộp sọ biến dạng và Haku là cô bé bị cắt bỏ gần hết hàm dưới.
Ngày nay, nếu tới Hiroshima và đi dạo xung quanh khu rừng ấy, bạn sẽ bắt gặp những dấu vết kỳ lạ, đi theo con đường mòn vào trong rừng, bạn sẽ thấy một tòa nhà bỏ hoang đã lâu. Khi đẩy cánh cửa đã mục nát ra, đập vào mắt bạn là hình ảnh 10 đứa trẻ mặc kimono đang chơi một trò chơi gì đó trông rất thú vị. Nhìn thấy bạn, chúng sẽ cất tiếng hỏi “Bạn có muốn chơi cùng không?”. Vậy, câu trả lời của bạn là gì?
>>> Những truyền thuyết đô thị Nhật Bản khiến bạn ám ảnh tột độ