LỄ THÀNH NHÂN – Sách 100

TÌM HIỂU LỄ THÀNH NHÂN Ở NHẬT

Ngày đăng: 17/02/2022 - Người đăng: Phạm Quỳnh Trang

LỄ THÀNH NHÂN Ở NHẬT BẢN

 

 

 

Thanh thiếu niên tại Nhật cứ đến tuổi 20 là sẽ được gia đình và chính quyền địa phương tổ chức cho “Lễ thành nhân”. Hôm nay, hãy cùng Sách 100 đi tìm hiểu ngày Lễ thành nhân, một trong những ngày quốc lễ của Nhật Bản.

 

 

 

1. Lễ thành nhân Nhật Bản

 

Lễ thành nhân (成人の日・seijin no hi) là ngày quốc lễ của Nhật Bản, được tổ chức nhằm chúc mừng tất cả những người đã đến tuổi thành niên (ở Nhật là 18 tuổi) trong năm vừa qua, giúp họ ý thức được rằng kể từ ngày mai, thời thơ ấu được bảo vệ trong vòng tay cha mẹ và những người xung quanh đã kết thúc, họ sẽ phải tự lập và có những hành vi cư xử như một người trưởng thành.

 

 

Đã thành thông lệ hằng năm, cứ vào ngày thứ 2 của tuần thứ 2 của tháng 1, các bạn trẻ ở Nhật lại nô nức tham dự Lễ thành nhân. 

Lễ hội bao gồm lễ trưởng thành tổ chức tại văn phòng địa phương, sau đó là buổi tiệc cùng với gia đình và bạn bè.

 

2. Nguồn gốc lễ thành nhân ở Nhật

 

Lễ thành nhân bắt nguồn từ một nghi thức cổ xưa của Nhật, gọi là Genpuku. Đây là một sự kiện trọng đại chúc mừng ngày trưởng thành của các bé trai - con cháu nhà Samurai. Genpuku không quy định rõ ràng độ tuổi trưởng thành là lúc nào, tuy nhiên từ thời Nara  (710 – 794) cho đến thời Heian (794ー1192), Genpuku thường được tổ chức cho những bé trai từ 13 đến 16 tuổi. Với bé gái thì không gọi là Genpuku, mà lại được gọi là Mogi, và độ tuổi quy định là từ 12 đến 14 tuổi.

 

 

 

 

 

Đến thế kỷ 16, Genpuku được đổi tên thành “Genpuku shiki”, lễ trưởng thành được coi là một nghi thức đúng nghĩa. Tại buổi lễ, trẻ con sẽ cởi bỏ bộ quần áo bình thường của chúng và khoác lên mình bộ trang phục của người lớn. Sau đó, phần tóc trước trán sẽ bị cắt bỏ để thực sự trở thành người lớn.

 

 

Theo thời gian, văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, nghi lễ Genpuku shiki này dần phổ biến và lan rộng đến cả tầng lớp bình dân. 

Genpuku shiki được coi là nguồn gốc của Lễ thành nhân - seijin no hi, tuy nhiên nghi thức lễ hội như hiện nay được bắt đầu từ năm 1948. Trong suốt một thời gian dài, ngày Lễ thành nhân được quy định là ngày 15 tháng 1 và điều này đã được ghi cả trong Hiến pháp Nhật. Nhưng sau này nhằm mang lại những kỳ nghỉ dài hơn cho người dân, lễ hội được đổi lại thành ngày thứ hai đầu tiên của tuần thứ hai trong năm theo như hệ thống Thứ Hai Vui Vẻ.

Một điều đặc biệt nữa là, kể cả bạn đang là du học sinh Nhật Bản tại nước ngoài, bạn vẫn được gửi giấy mời đến Lễ thành nhân và có thể trở về nước tham dự. 

 

3. Thời gian và địa điểm tổ chức lễ thành nhân ở Nhật

  • Thời gian: Lễ thành nhân được tổ chức vào ngày Thứ 2 của tuần thứ 2 tháng 1. Năm 2022 rơi vào ngày 10/1. Vào ngày này, tất cả các bạn trẻ ở độ tuổi thành niên sẽ được nghỉ học và mời tới tham dự Lễ thành nhân tại địa phương mình. Cha mẹ, người thân các bạn cũng nghỉ làm để tới theo dõi và chúc mừng con cái mình đã trưởng thành. 

 

 

  • Địa điểm: Lễ trưởng thành thường được tổ chức tại nhà văn hóa, sân vận động, các trung tâm văn hóa lớn,...Tùy vào từng địa phương mà địa điểm tổ chức và các nghi thức tổ chức cũng khác nhau. Thành phố Urayasu tỉnh Chiba đã từng “chơi lớn” khi tổ chức Lễ thành nhân tại khu vui chơi nổi tiếng Tokyo Disneyland.

 

 
 

4. Mặc gì khi tham dự lễ thành nhân ở Nhật

Lễ thành nhân là dịp để các nam thanh nữ tú chưng diện và phô diễn hết mức vẻ đẹp của mình. 

Các cô gái thướt tha yểu điệu trong bộ kimono truyền thống furisode. Con gái Nhật đến tuổi trưởng thành sẽ được bố mẹ mua tặng một bộ furisode để ghi dấu sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên họ cũng có thể thừa hưởng những bộ kimono truyền thống của gia đình.

 

 

Đối với con trai, họ có thể mặc lễ phục Haori hoặc Hakama, tuy nhiên hiện nay, hầu hết con trai đều mặc vest.

 

 

 

 
 

5. Những quyền lợi và nghĩa vụ sau lễ thành nhân ở Nhật

Lễ thành nhân có ý nghĩa như thẻ căn cước công dân tại Việt Nam, kể từ sau ngày Lễ thành nhân trở đi, bạn sẽ được hưởng rất nhiều những quyền lợi, và đi kèm với đó là vô số các nghĩa vụ phải thực hiện.

  • Quyền lợi:

    • Được tự mình ký kết hợp đồng mà không cần cha mẹ: hợp đồng thuê nhà, làm thẻ tín dụng, dùng điện thoại di động,...

    • Được hưởng hộ chiếu trong vòng 10 năm

    • Có quyền bầu cử hoặc tham gia vào các hoạt động chính trị

    • Được phép kết hôn mà không cần sự cho phép của cha mẹ

    • Có thể hút thuốc, uống rượu, tuy nhiên bạn cần phải trên 20 tuổi để được phép làm điều này. 

  • Nghĩa vụ:

    • Phải tham gia nenkin: các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc

    • Có những hành động, suy nghĩ đúng mực, đúng chuẩn với tuổi trưởng thành. Phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi sai trái của mình. 

 
 

Là một ngày quốc lễ của Nhật Bản, Lễ thành nhân không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với người đã đến tuổi trưởng thành mà còn có ý nghĩa quan trọng với cả gia đình họ. Đây là dịp mà mọi người chúc mừng người trưởng thành, khuyến khích họ tự lập và tự chịu trách nhiệm. Với những người đến tuổi trưởng thành, đây cũng là dịp để họ khẳng định bản thân với xã hội, khẳng định sự tồn tại của mình như một lời tuyên bố “ Tôi đã là người lớn”. Sau bao năm sống một cuộc sống phụ thuộc, được bao bọc bởi gia đình, đến trường và mặc những bộ đồng phục giống nhau, giờ đây họ đã trưởng thành cả về thể xác lẫn tinh thần và được thừa nhận là những công dân thực thụ của xã hội. 

 

 

Những công dân mới này đã có đủ tự tin cũng như tự do để là chính mình, để sống như mình mong muốn, và giờ họ cũng đã mang những quyền lợi và nghĩa vụ của riêng mình.

 

Mong rằng bài viết đã đem lại cho bạn nguồn thông tin bổ ích!

Sách 100 rất vui khi được đồng hành cùng bạn trên con đường học tiếng Nhật!

 


 

>>> Tìm hiểu mặt nạ kitsune Nhật Bản

>>> Đăng ký kết hôn tại Nhật như thế nào?


Để lại bình luận

Để lại bình luận