Đại học Tokyo | Ngôi trường đại học đắt giá nhất Nhật Bản – Sách 100

Đại học Tokyo | Ngôi trường đại học đắt giá nhất Nhật Bản

Ngày đăng: 08/07/2021 - Người đăng: Tạ Ngọc Trâm

Tại sao Đại học Tokyo lại là ngôi trường danh giá bậc nhất Nhật Bản?

 

thumb đại học tokyo


 

Đại học Tokyo (東京大学) hay Todai (東大) là ngôi trường danh giá bậc nhất trong 7 trường đại học Quốc gia của Nhật Bản. Với bề dày lịch sử lâu đời cùng chất lượng đào tạo số 1 Châu Á, đại học Tokyo là ngôi trường mơ ước đối với rất nhiều sinh viên trong và ngoài nước.
Hôm nay, hãy cùng Sách 100 tìm hiểu về đại học Tokyo và giải đáp tại sao nó lại được mệnh danh là ngôi trường danh giá bậc nhất Nhật Bản nhé! 


 

1. Đại học Tokyo được thành lập như thế nào?

đại học tokyo

 

Todai được thành lập năm 1877 bởi Thiên Hoàng Minh Trị.
Năm 1886, trường đổi tên thành Đại học đế quốc (帝國大學, Teikoku daigaku) và sau đó là Đại học đế quốc Đông Kinh (東京帝國大學, Tōkyō teikoku daigaku) vào năm 1897 sau khi hệ thống Đại học đế quốc được thành lập. Năm 1947, sau thất bại của Nhật trong thế chiến thứ 2, trường đã lấy lại tên gốc. Từ năm 2004 cho đến nay, do sự hợp nhất của các trường đại học quốc gia nên tên đầy đủ của trường trở thành “National University Corporation, the University of Tokyo”.

Trong quá trình thành lập và phát triển, Đại học Tokyo liên tục sáp nhập với nhiều trường đại học chuyên khoa như Đại học Y, Đại học Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Đại học kỹ thuật Hoàng gia,... nhằm hướng đến phát triển một hệ thống đại học nghiên cứu toàn diện.

 

con đường cây bạch quả


 

2. Cơ sở vật chất của đại học Tokyo “xịn xò” như thế nào?

 

Hiện tại, Đại học Tokyo bao gồm 3 cơ sở chính cùng 56 chi nhánh trên khắp nước Nhật và 46 chi nhánh tại nước ngoài, 11 viện nghiên cứu trực thuộc, 2 viện nghiên cứu nâng cao, 13 trung tâm toàn trường, hệ thống mạng lưới thư viện với 55 thư viện lớn nhỏ cung cấp hơn 8 triệu đầu sách và tài liệu quý, ngoài ra còn có các cơ sở vật chất liên kết như bệnh viện, bảo tàng,...

 

hành lang đại học tokyo



Nhà trường luôn trang bị đầy đủ hệ thống máy tính, trang thiết bị thí nghiệm, phòng nghiên cứu hiện đại, cũng như ký túc xá phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của sinh viên tại trường.


Điều đặc biệt phải kể đến ở đây là 3 cơ sở chính của trường:

- Cơ sở Hongo: với diện tích 56 hecta, nơi đây được chính phủ Nhật Bản xem là tài sản văn hóa quan trọng của đất nước, phần lớn khoa, trường học và viện nghiên cứu đều nằm ở đây.
Cổng đỏ Akamon - một di tích của thời đại Edo và giảng đường Yasuda vô cùng nổi tiếng đều nằm ở đây.

 

cổng đỏ akamon


 

Trong khuôn viên trường trồng nhiều hàng cây bạch quả, cũng vì vậy mà lá bạch quả được chọn làm biểu tượng của trường.

 

logo đại học tokyo



Ngoài ra, xung quanh cơ sở Hongo còn có “Bunka no mori” (rừng văn hóa) - nơi tập trung nhiều bảo tàng nổi tiếng của Nhật, con đường sách Shinobazu, khu phố điện tử Akihabara, công viên Ueno,...

 

 

- Cơ sở Komaba: rộng 35 hecta, tọa lạc tại địa khu Meguro, Tokyo là khu tập trung các trường đại học, sau đại học, một số cơ sở nghiên cứu và kí túc xá sinh viên.
Đây là cơ sở gần phố Shibuya và Shimokitazawa - trung tâm văn hóa của giới trẻ Nhật.
Cũng giống như cơ sở Hongo, cơ sở Komaba nổi tiếng có giảng đường hình tháp đồng hồ.

đại học tokyo cơ sở komaba


 

- Cơ sở Kashiwa: rộng 24 hecta nằm ở quận Chiba ngoại ô Tokyo, chủ yếu tập trung các trường đào tạo sau đại học về kỹ thuật.
 

đại học tokyo cơ sở kashiwa


 

Nếu như các trường đại học khác thường phân chia cơ sở theo khoa, ngành thi đại học Tokyo lại có chút khác biệt. Nếu theo học tại đại học Tokyo, bạn sẽ được học chương trình Đại cương 2 năm đầu tại cơ sở Komaba và 2 năm cuối tại cơ sở Hongo.

 

Nổi tiếng là ngôi trường có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, ta không thể không kể đến 11 viện nghiên cứu trực thuộc đại học Tokyo: 

- Viện nghiên cứu Y học

- Viện nghiên cứu Địa chấn

- Viện nghiên cứu Văn hóa phương đông

- Viện nghiên cứu Khoa học xã hội

- Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật

- Viện nghiên cứu Sử học

- Viện nghiên cứu Sinh học phân tử và tế bào

- Viện nghiên cứu Tia vũ trụ

- Viện nghiên cứu Vật lý chất rắn

- Viện nghiên cứu Khí quyển và Đại dương

- Trung tâm nghiên cứu Khoa học tiên tiến và Kỹ thuật

 


 

3. Đại học Tokyo đào tạo những ngành gì?

 

Hiện tại, Đại học Tokyo có 10 phân khoa và 15 khoa nghiên cứu sau đại học:

- Khoa/ngành đào tạo:

+ Phân khoa Nông nghiệp

+ Phân khoa Văn hóa tổng hợp 

+ Phân khoa Kinh tế học

+ Phân khoa Giáo dục học

+ Phân khoa Kỹ thuật

+ Phân khoa Pháp luật

+ Phân khoa Văn học

+ Phân khoa Y học

+ Phân khoa Dược học

+ Phân khoa Lý học

 

- Khoa/ngành nghiên cứu sau đại học:

+ Khoa nghiên cứu Nông nghiệp và Khoa học đời sống

+ Khoa nghiên cứu Văn hóa tổng hợp

+ Khoa nghiên cứu Kinh tế học

+ Khoa nghiên cứu Giáo dục học

+ Khoa nghiên cứu Kỹ thuật

+ Khoa nghiên cứu Khoa học sáng thành tân lĩnh vực

+ Khoa nghiên cứu Nhân văn và Xã hội học

+ Khoa nghiên cứu Khoa học thông tin và Công nghệ

+ Khoa nghiên cứu Thông tin học liên ngành

+ Khoa nghiên cứu Pháp luật và Chính trị học

+ Khoa nghiên cứu Khoa học toán học

+ Khoa nghiên cứu Y học

+ Khoa nghiên cứu Dược học

+ Khoa nghiên cứu Chính sách công cộng

+ Khoa nghiên cứu Lý học

 

Ngoài ra, trường cũng có những chuyên ngành mới lạ như: Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Khoa học Sự sống, Khoa học Nguyên Tử,... tuy nhiên chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành này không nhiều, chỉ vào khoảng dưới 50 sinh viên.

Các bạn có thể xem thêm thông tin về khoa ngành đào tạo của trường tại đây: The University of Tokyo

 

4. Nếu là một sinh viên trường đại học Tokyo bạn sẽ được trải nghiệm chế độ đào tạo như thế nào? 

 

Đại học Tokyo lấy リベラルアーツ (liberal art - tạm dịch “Giáo dục khai phóng”) làm nền móng đào tạo. 

Đây là chương trình đào tạo thiên về phát triển kiến thức nền tảng và kỹ năng ở đa dạng các lĩnh vực thay vì chỉ đào sâu vào một ngành cụ thể. 

 

giáo dục khai phóng

 

Sinh viên đại học Tokyo sẽ được tự do học tập, tiếp xúc với nhiều môn học ở các lĩnh vực khác nhau nhằm xây dựng một tư duy mở và kỹ năng thay đổi linh hoạt để phù hợp với mọi môi trường làm việc. 

Xã hội hiện nay rất cần một nguồn nhân lực có thể đưa ra giải pháp dựa trên nền kiến thức sâu rộng và リベラルアーツ của đại học Tokyo sẽ phát triển nguồn nhân lực như vậy. Chương trình đào tạo này sẽ đem đến cho sinh viên những lựa chọn chính xác hơn về sự nghiệp cũng như cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Có thể nói đây chính là điểm thu hút sinh viên nhất của đại học Tokyo.

 

Đầu tiên, bạn sẽ chọn 1 trong 6 lựa chọn dưới đây để thi vào trường: 

- 理科一類 (Khoa học tự nhiên I)

- 理科二類 (Khoa học tự nhiên II)

- 理科三類 (Khoa học tự nhiên III)

- 文化一類 (Văn hóa I)

- 文化二類 (Văn hóa II)

- 文化三類 (Văn hóa III)

 

Sau khi đã đỗ vào trường thì không giống như nhiều trường khác, sinh viên Đại học Tokyo sẽ trải qua 2 năm đầu học giáo dục đại cương. Sinh viên sẽ được tự do tham gia bất cứ lớp học nào mình có hứng thú với số tín chỉ quy định. Sinh viên Khoa học tự nhiên có thể tham gia lớp học Văn hóa và ngược lại. 

Nhờ có thể tiếp xúc đa dạng các môn học, sinh viên vừa có nền móng kiến thức sâu rộng vừa có lựa chọn đúng đắn hơn cho việc phân chia chuyên ngành sau này. Trong 2 năm đầu:

 

- Năm nhất và nửa đầu năm 2: học đại cương

- Nửa sau năm 2: học các kiến thức căn bản của chuyên ngành phục vụ cho học chuyên ngành ở năm 3,4.

 

Vào mùa thu năm 2, việc phân chia chuyên ngành sẽ diễn ra. Sinh viên sẽ nộp nguyện vọng vào khoa mà mình mong muốn. Vì mỗi khoa đều có giới hạn số lượng sinh viên nên nếu số đơn vượt quá giới hạn, khoa sẽ xét dựa vào thành tích 2 năm đầu. Những sinh viên không vào được ngành nguyện vọng 1 sẽ phải vào học ngành nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Bởi vậy nên khi đã thi đỗ vào trường rồi cũng không được phép chủ quan mà lơ là học tập. 

 

Việc vào các khoa dễ hay khó tùy thuộc vào từng loại như dưới đây:

- 理科一類 => Khoa Lý học và Khoa Kỹ thuật 

- 理科二類 => Khoa Dược và Khoa Nông nghiệp

- 理科三類 => Khoa Y

- 文化一類 => Khoa Luật

- 文化二類 => Khoa Kinh Tế

- 文化三類 => Khoa Văn học và Khoa Giáo dục

 

Ví dụ như trong Khoa Luật sinh viên 文化一類 chiếm phần lớn => Đối với sinh viên 文化一類 thì Khoa Luật dễ vào nhất.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng sẽ theo như trên, việc từ 理科一類 vào Khoa Kinh tế là hoàn toàn có thể. Sinh viên từ lớp loại nào cũng có thể vào khoa mình muốn miễn là cố gắng học hành chăm chỉ. 

 

Nhờ chương trình đào tạo  リベラルアーツ , sau 4 năm học đại học, nếu có nguyện vọng sinh viên có thể theo học bất cứ ngành sau đại học nào của Đại học Tokyo. 

 

5. Sinh viên và giảng viên trường Đại học Tokyo là những người như thế nào?

 

Hiện nay có gần 30.000 sinh viên đang theo học tại Đại học Tokyo. Khoảng 51% trong số đó đang theo học chương trình đại học, còn lại theo đuổi chương trình sau đại học và nghiên cứu. Đây đều là những sinh viên vô cùng ưu tú đã vượt qua kì thi đầu vào gắt gao để vào trường. Ngoài sinh viên Nhật còn có hơn 2000 du học sinh từ khắp các nơi trên thế giới cũng đang theo học tại đây, tạo nên một môi trường học tập cởi mở, đa văn hóa.

 

sinh viên đại học tokyo

 

Phụ trách giảng dạy ở Đại học Tokyo là gần 2500 giảng viên trong đó có hơn 1280 giáo sư. Đây đều là những giảng viên và giáo sư đầu ngành rất giỏi, nhiệt tình và tận tâm với nghề.

 

giảng viên đại học tokyo


 

Vốn nổi tiếng là “cái nôi” nuôi dưỡng những nhân tài, từ Đại học Tokyo hàng trăm ngàn cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ đã tốt nghiệp. Cựu sinh viên của trường đều là những người vô cùng xuất chúng và đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, chính trị đến xã hội, văn học. 

 

- 15 thủ tướng của Nhật Bản đã từng học tập tại Đại học Tokyo 

 

yoshida shigeru

 Yoshida Shigeru - thủ tướng tại chức lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản là cựu sinh viên Đại học Tokyo

 

- Hiện nay có 24 người nhận giải Nobel mang quốc tịch Nhật Bản thì trong đó có 10 người là cựu sinh viên của Đại học Tokyo. 

 

- 2 cựu sinh viên đã giành giải Fields (giải thưởng Toán học  danh giá nhất thế giới)

 

- 4 cựu sinh viên đã đoạt giải thưởng Pritzker (danh hiệu cao quý nhất của ngành kiến trúc)

 

- 5 phi hành gia vũ trụ

 

- Rất nhiều nhân vật xuất chúng khác như: Thống đốc ngân hàng Trung ương Toshihiko Fukui, thành viên Tòa án Quốc tế Hisashi Owada,... đều đã từng theo học tại đây.

 

hisashi owada
Ông Hisashi Owada

 

6. Thành tích của đại học Tokyo trên đấu trường học thuật thế giới?

 

  • Top 1 ở Châu Á và Top 20 thế giới trong bảng xếp hạng học thuật các trường đại học trên thế giới

  • Theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) Đại học Tokyo đứng vị trí thứ 36 trong top 100 trường đại học hàng đầu trên thế giới (2020)

  • Giữ vị trí 22 trong bảng xếp hạng QS World University Rankings

  • Theo bảng xếp hạng 500 đại học tốt nhất thế giới do tạp chí CEOWORLD xuất bản năm 2019, Đại học Tokyo đứng thứ nhất ở châu Á và 16 trên thế giới

 

7. Vậy làm thế nào để thi vào Đại học Tokyo?

 

Là một ngôi trường hàng đầu Nhật Bản, thực sự khó khăn để vào được trưởng bởi những tiêu chí ngặt nghèo kèm theo đó là tỉ lệ chọi vô cùng cao. Đặc biệt là Khoa Y của trường được cho là có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất Nhật Bản. Bởi chương trình học ở đây được đánh giá là vô cùng nặng về kiến thức chuyên môn, đào tạo kiến thức một cách sâu rộng nên sinh viên của trường đều phải là những người ưu tú, có năng lực.

 

nhập học đại học tokyo

 

Sinh viên quốc tế hầu hết đều chọn con đường đào tạo sau đại học bởi những cơ hội mở rộng kiến thức chuyên môn và phục vụ nghiên cứu. Để được nhận vào đại học Tokyo, du học sinh sẽ có 2 cách:
 

- Cách 1: Tham gia kỳ thi EJU dành cho du học sinh
(cần chọn trước ngành, khoa để đăng ký thi) 

Điều kiện: 

+ Có kết quả học tập từ khá trở lên ở bậc THPT

+ Đạt điểm số cao trong kỳ thi EJU 

+ Có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL

+ Có chứng chỉ tiếng Nhật

Sau đó du học sinh sẽ trải qua vòng thi tiểu luận và vòng thi phỏng vấn bằng tiếng Nhật trước khi được nhận vào trường.

- Cách 2: Tham gia kỳ thi chung cùng sinh viên Nhật Bản
(không cần chọn trước ngành, khoa để học)

Thí sinh sẽ trải qua 3 vòng

+ Vòng 1: xét duyệt thành tích THPT

+ Vòng 2: Thi tiểu luận và thi năng lực

+ Vòng 3: Phỏng vấn bằng tiếng Nhật

 

8. Trường Đại học Tokyo có chế độ học phí và học bổng như thế nào?

a. Học phí

Là một trường đại học quốc lập nên học phí của trường ở mức không quá cao.

- Chương trình Cử nhân: 530.800 yen/năm 

- Chương trình Thạc sĩ: 530.800 yen/năm

- Chương trình Tiến sĩ Y học/ Khoa học thú y: 520.800 yen/năm 


b. Học bổng
 

Đại học Tokyo có rất nhiều học bổng dành cho sinh viên quốc tế muốn học tập tại trường.

- Học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT) được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Giá trị học bổng là 117.000-145.000 yen/tháng, miễn toàn bộ học phí và có thời hạn là 1 năm, khi hết hạn sinh viên có thể nộp đơn xin lại. Đại học Tokyo chấp nhận đơn nộp của cả sinh viên hệ cử nhân và sinh viên hệ nghiên cứu cho chương trình học bổng này.
Bạn có thể xem thêm tại đây: MEXT 

- Học bổng đại học Tokyo: là học bổng đặc biệt của đại học Tokyo dành cho sinh viên quốc tế sau đại học. Quỹ học bổng này được thành lập năm 2004 và có giá trị là 150.000-200.000 yen/tháng trong tối đa là 1 năm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây: University of Tokyo Fellowship

- Học bổng được tài trợ bởi các tổ chức tư nhân: hiện có khoảng hơn 80 tổ chức tư nhân cung cấp chương trình học bổng cho du học sinh trong suốt cả năm.
Thông tin về học bổng này các bạn có thể xem tại đây: Scholarships Offered by Private Organizations


Qua tất cả những điều bên trên, hẳn các bạn đã hiểu tại sao trường Đại học Tokyo lại được mệnh danh là ngôi trường danh giá bậc nhất Nhật Bản rồi phải không nào? Với lịch sử 144 năm tồn tại, chế độ đào tạo khác biệt cùng vô vàn những thành tích nổi trội, đại học Tokyo thực sự xứng đáng là một trong những tượng đài về học thuật và nghiên cứu tại Nhật Bản.


>>> Xem thêm: Đại học Osaka
 

Chúc các bạn học tốt và giữ gìn sức khỏe nhé!


🎁 CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT "KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT" 

🎁 TÀI LIỆU TIẾNG NHẬT FREE

>>> Hướng dẫn giới thiệu bản thân bằng tiếng Nhật (bản chi tiết)

>>> Trọn bộ từ vựng tiếng Nhật theo chủ đề (PDF)


>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100 <<<

🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày

🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k

🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)

5

(1 đánh giá)

Để lại bình luận

Để lại bình luận