Tổng hợp cách đi tàu điện ở Nhật từ A đến Z – Sách 100

Tổng hợp cách đi tàu điện ở Nhật từ A đến Z

Ngày đăng: 15/03/2021 - Người đăng: Tạ Ngọc Trâm

TẤT TẦN TẬT VỀ CÁCH ĐI TÀU ĐIỆN Ở NHẬT



Có thể nói Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống phương tiện giao thông cộng cộng vô cùng phong phú và tiện lợi, đặc biệt là tàu điện. Tuy nhiên vì hệ thống tàu điện rất phức tạp nên cũng trở thành một vấn đề tương đối khó khăn với người nước ngoài nhất là khi lần đầu tiên đến Nhật Bản.


NỘI DUNG:
I. Các loại tàu điện của Nhật
II. Các hạng ghế tàu điện ở Nhật 
III. Cách mua vé đi tàu điện ở Nhật
 1. Cách mua vé tàu điện lẻ
 2. Cách đổi vé khi mua nhầm vé tàu ở Nhật
 3. Cách mua vé tháng tàu điện ở Nhật
 4. Cách gia hạn vé tháng tàu điện
IV. Cách đi tàu điện ở Nhật
V. Một số lưu ý khi đi tàu điện ở Nhật
VI. Một số câu tiếng Nhật thông dụng dùng ở ga tàu



I. Các loại tàu điện của Nhật


💥 Tàu JR (Japan Railway):


Đây là tuyến đường sắt có quy mô lớn bậc nhất lại Nhật Bản. Nếu bạn là người nước ngoài đến đây làm việc hay đặc biệt là đi du lịch, thì chỉ cần mua vé JR pass là có thể đi bất cứ chuyến tàu nào của JR vô cùng tiện lợi. Hoặc nếu không, bạn có thể mua vé trong ngày và dùng đến những nơi có tàu JR đi qua.


Dưới đây là các loại tàu của JR.


1. Tàu thường (Local - futsuu): Là loại tàu dừng lại ở các ga. 


2. Tàu nhanh (Semi express - kaisoku): đặc điểm của tàu này là nhanh hơn tàu thường, vì thế số lượng ga dừng cũng ít hơn.


3. Tàu tốc hành (Express - kyuuko): so với tàu nhanh ở trên thì tàu tốc hành này nhanh hơn do số lượng ga dừng ít hơn và có khi giá vé sẽ đắt hơn.


4. Tàu tốc hành vào giờ đi làm (Commuter Express - Tsuukin kaisoku): tàu này có số ga dừng lại ít hơn những tàu trên, đi nhanh hơn và thường chạy vào những giờ cao điểm (Sáng, tối). Các chuyến tàu này thường thấy ở tuyến Chuo, Keiyo, Saikyo,…


5. Tàu tốc hành dịch vụ đặc biệt (Special rapid service - tokubetsu kaisoku): cũng là một loại tàu nhanh, tuy nhiên vì dừng ở các ga chính nên tốc độ sẽ nhanh hơn nhiều và giá vé cũng cao hơn.


Các loại trên chỉ cần trả phí sử dụng cho 1 loại vé (乗車券 - Vé lên tàu).


6. Tàu hỏa tốc đặc biệt (Limited express - tokkyu): Có rất ít điểm dừng, có thể đến địa điểm cần đến một cách nhanh chóng. Khi đi tàu này, ngoài giá vé của tàu bạn còn phải trả thêm phí đặc biệt. 


7. Tàu cao tốc Shinkansen (Super express - shinkansen): Loại tàu có tốc độ nhanh nhất, chạy nối giữa các thành phố và khu dân cư lớn. Chạy trên line đường ray riêng, có khu bán vé riêng, giá vé cao.


JR quản lý 2 loại Shinkansen là: Kodama (dừng ở tất các cả trạm chính) và Hikari (dừng ở các thành phố lớn). Hikari nhanh hơn nếu bạn đi chặng dài, còn đi chặng ngắn thì nên đi Kodama.


Tàu shinkansen Hikari


2 loại tàu này là 2 loại tàu nhanh nhất do vận tốc chạy cao và dừng ở ít ga, vì vậy giá vé cũng cao hơn các loại tàu khác. Ngoài phí sử dụng (乗車券 - Vé lên tàu), hành khách còn phải trả thêm phí đặc biệt (特急券 - Vé đặc cấp). 


Có thể hiểu, vé lên tàu là vé mà bạn có thể di chuyển trong quãng đường giữa ga xuất phát và ga đến, vé đặc cấp là vé dùng để lên các chuyến tàu tốc hành như Tokkyu, Shinkansen.


Đối với tàu Tokkyu, có thể trả phí lên tàu bằng thẻ IC khi đi qua cửa soát vé, phí đặc biệt sẽ trả khi lên tàu




💥 Tàu tư nhân:


Ở Nhật, ngoài đường sắt JR thì còn có nhiều hãng đường sắt tư nhân khác. Về cơ bản các loại tàu của công ty đường sắt tư nhân cũng giống với JR, tuy nhiên cũng có một số sự khác biệt nhỏ. Dưới đây là những loại đường sắt đó.


1. Tàu thường (Local - futsuu): đây là loại tàu dừng ở các ga, ở một số hãng tư nhân người ta còn ghi cả chữ “ tàu dừng ở các ga” trên tàu.


2. Tàu bán tốc (Local Express/ Semi Express - Junkyu): tàu này chạy nhanh hơn tàu thường vì số ga dừng ít hơn nhưng nhiều hơn tàu kaisoku.


3. Tàu nhanh (Rapid - kaisoku): tàu này nhanh hơn tàu bán tốc và đặc biệt là bạn có thể lên tàu này bằng vé thường.


4. Tàu tốc hành (Express - kyuko): tàu này nhanh hơn những tàu trên, số ga dừng cũng ít hơn. Có thể dùng vé thường để đi tàu này, tuy vậy vẫn có những lúc thu thêm phí khi tốc độ tàu nhanh hơn.


5. Tàu hỏa tốc đặc biệt (Limited express - tokkyu): trên tàu này sẽ hiển thị chữ Limited Express hoặc Tokkyu để phân biệt với những tàu khác. Đây là loại tàu chạy nhanh và chỉ dừng ở ga chính nên giá vé khá cao.


6. Shinkansen: JR không quản lý 2 loại tàu shinkansen là Nozomi và Mizuho. Đây là 2 loại tàu nhanh nhất và giá cũng cao nhất của hãng đường sắt tư nhân.



II. Các hạng ghế tàu điện ở Nhật


Cũng giống như ghế xe, ghế tàu ở Việt Nam, vé tàu điện ở Nhật cũng có hai loại là vé đặt trước và vé không đặt trước.


- Ghế không đặt trước (Non-reserved/自由席): Là loại ghế được dùng cho tất cả các loại tàu thường (futsuu), tàu nhanh (kaisoku), tàu tốc hành (kyukou) và một phần tàu tốc hành đặc biệt (tokkyu) thì chỉ có 1 loại ghế không đặt trước này. Đối với hạng ghế này, bạn không được giữ ghế trước, vậy nên nếu hết ghế bạn phải đứng trên cả chuyến đi.

 

- Ghế đặt trước (Reserved/指定席): Áp dụng cho tàu đường dài như shinkansen và một số toa tokkyu. Để giữ ghế trước bạn có thể mất thêm một khoản phí từ đặt trước.

 


Ngoài ra hãng JR còn cho hành khách hai lựa chọn hạng ghế nữa là ghế hạng thường (ordinary) và ghế hạng xanh (green). Với ghế hạng xanh, hành khách sẽ được phục vụ tận tình chu đáo hơn, do đó mức phí cũng tăng lên từ 30 đến 50%.

 


III. Cách mua vé đi tàu điện ở Nhật


1. Cách mua vé tàu điện lẻ


Với những chuyến đi không nằm trong lộ trình thường nhật thì bạn nên mua vé tàu lẻ. 


a. Mua tại máy bán vé tự động: 

 

Bản đồ các ga kèm giá vé tương ứng bên cạnh máy bán vé tự động

 

+ Dò ga hiện tại và ga tới kèm bảng giá có trong sơ đồ cạnh máy bán vé. 

+ Sau khi đã xác định được nơi đến và giá vé, đến máy bán vé chọn phần きっぷ.

+ Chọn số người, giá vé tương ứng.

+ Bỏ tiền vào khe thanh toán (tiền giấy hoặc tiền xu), nếu dư tiền máy sẽ trả lại. 

+ Chờ vé ra, lấy vé và lên tàu. Nhớ giữ vé cẩn thận vì vé sẽ được cho vào cửa soát vé lần nữa trước khi ra khỏi ga.

 

b. Mua tại quầy bán vé


Bạn có thể đến trực tiếp quầy bán vé để được hướng dẫn


Tại đây bạn cần cung cấp một số thông tin như: Ngày khởi hành, Trạm đi, trạm đến, hạng ghế,...

 


c. Quẹt IC card:


Đây là thẻ từ vô cùng tiện dụng, không chỉ được dùng để đi tàu điện mà còn được dùng thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi, xe bus, máy bán nước tự động. 


Các loại IC Card đều có thể mua được tại các nhà ga lớn, hoặc có thể mua tại các máy bán vé chuyên dụng. Giá mua thẻ IC là 500 yên. Mua lần đầu thì nên nạp 2000 Yên vào thẻ. Khi đó sau khi trừ khoản trả trước thì còn 1500 Yên sẽ được lưu vào thẻ và đây là khoản có thể sử dụng.


Ở mỗi khu vực sẽ phát hành các loại thẻ khác nhau, người dân ở khu vực nào sẽ thường dùng loại thẻ khu đó phát hành. Tuy nhiên, các thẻ vẫn có thể sử dụng hầu hết trên toàn quốc.


+ Thẻ Suica, PASMO: Tokyo và phía Đông Nhật Bản. Suica dùng cho các tuyến JR, còn PASMO dùng cho các tuyến khác ngoài JR.


+ Thẻ ICOCA: Dùng trên các tuyến JR phía Tây Nhật Bản, Hiroshima.


+ Thẻ Pitapa: Dùng trên các tuyến ngoài JR ở vùng Kansai.


+ Thẻ Kitaca: Phát hành tại ga Sapporo. Có thể sử dụng cho tuyến tàu điện của JR Hokkaido mà chủ yếu là Sapporo, các tuyến tàu điện ngầm thành phố Sapporo, xe buýt, tàu điện thành phố, và có thể sử dụng trên cả nước.  


+ Thẻ Manaca: Phát hành bởi Nagoya Tetsudo, Meitetsu Bus,... Có thể sử dụng cho các tuyến tàu điện, tàu điện ngầm, xe buýt ở Nagoya ngoại trừ JR và Kintetsu hoặc sử dụng trên toàn quốc. 


+ Thẻ Toica: Phát hành bởi JR Tokai, chủ yếu ở Nagoya. 


+ Thẻ Nimoca: Phát hành bởi công ty đường sắt và xe buýt Nishitetsu mà chủ yếu là ở Fukuoka, 1 số thành phố của khu vực Kyushu, Hakodate, Hokkaido. 


+ Thẻ SUGOCA: Phát hành ở các khu vực của JR Kyushu như Fukuoka, Kumamoto. 


+ Thẻ Hayakaken: Phát hành bởi công ty tàu điện ngầm thành phố Fukuoka. 

 

Khi đi tàu, bạn chỉ cần dùng thẻ này quẹt tại 2 đầu cửa soát vé, sau đó phí đi tàu sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản của bạn ứng với số tiền mua vé trên hành trình của bạn.

 

 

d. Mua vé JR Pass



Nếu bạn là khách du lịch hay những người nước ngoài có nhu cầu lưu trú tại Nhật Bản dưới 3 tháng, các bạn nên mua JR pass vì tiết kiệm chi phí và tiện lợi cho cả chuyến đi. Tùy vào hạng vé bạn mua mà bạn có thể sử dụng tất cả các chuyến tàu thuộc sự quản lý của đường sắt Nhật Bản, bao gồm mọi tàu hỏa trên mạng lưới đường sắt JR (JR Kyushu, JR Shikoku, JR West, JR Center, JR East và JR Hokkaido). 


Bạn cũng có thể lên những phương tiện khác như xe buýt JR, phà JR và tàu monorails.


Nơi mua vé JR Pass: Bạn có thể mua vé JR pass tại các đại lý vé của Nhật hay sân bay, tuy nhiên giá sẽ hơi cao. Vì vậy bạn có thể tham khảo mua tại Klook.com với giá mềm hơn, ở đây bạn nhận được 1 voucher đổi vé, khi đến sân bay Nhật bạn xuất trình voucher kèm passport sẽ đổi được vé JR pass. Vì vé này có nhiều hạng nên bạn cần xem xét lịch trình của mình để chọn loại vé với phạm vi sử dụng phù hợp chuyến đi của mình nhé!

 


 

2. Cách đổi vé khi mua nhầm vé tàu ở Nhật


Khi bạn mua nhầm vé tàu cũng không có gì phải lo lắng, hãy đến máy bán vé tự động và làm theo các bước sau:


Bước 1: trên màn hình chính chọn 買い間違い払い戻し bên góc phải phía dưới của màn hình. 


Bước 2: đặt vé mua nhầm vào nơi nhận vé.


Bước 3: xác nhận lại số tiền cần nhận lại.


Bước 4: máy sẽ trả lại tiền vé, bạn sẽ được nhận lại tiền ngay tại máy bán vé tự động.

 



 3. Cách mua vé tháng tàu điện ở Nhật 


Nếu bạn phải thường xuyên sử dụng tàu điện trên một lộ trình nhất định như từ nhà tới chỗ làm, hoặc tới trường thì mua vé tháng sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí đi lại hơn.


- Nơi mua vé tháng: Bạn có thể mua vé tháng tại quầy bán vé ở các nhà ga lớn và tại các máy bán vé tự động. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn mua ở ga nào cũng được. Bạn chỉ có thể mua vé tháng tại những ga của công ty đường sắt đang vận hành tuyến tàu mà bạn sẽ đi.


- Vé tháng có hai loại dành cho học sinh/sinh viên và người đi làm. Đối với học sinh, sinh viên có thể xin giấy xác nhận của nhà trường để xuất trình trực tiếp cho nhân viên bán vé, sẽ được mua vé tháng với giá rẻ hơn (tuy nhiên đối với học sinh/sinh viên học ngoại ngữ, không phải là học sinh THPT, sinh viên đại học hay cao đẳng nghề sẽ không được mua vé tháng loại dành cho sinh viên, mà phải mua vé tháng loại dành cho người đã đi làm).


- Cách mua vé tháng tại cây bán vé tự động:



Có nhiều loại máy bán vé tự động khác nhau: loại chỉ bán vé, loại nạp tiền vào thẻ và loại bán vé tháng. Hãy đi tới máy bán vé có ghi 定期券 (teiki ken): Vé tháng.


+ Chọn 新規購入 (shinki kounyuu): Mua mới.


+ Chọn 通勤定期券 (tsuukin teiki ken) : Vé tháng cho người đi làm.


+ Chọn thời hạn (1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng) và ngày bắt đầu sử dụng vé.


+ Chọn ga đi, ga đến và tuyến tàu.


+ Chọn Suica定期券 (Vé tháng thẻ Suica) hoặc 磁気定期券 (Vé tháng thẻ từ).


* Nếu bạn đã có thẻ Suica thì chọn お手持ちのSuicaを利用する (Dùng thẻ Suica đã có).

Nếu chưa có thẻ Suica thì chọn 新しいスイカに定期券を発行する và trả thêm 500 yên tiền mua thẻ.


+ Nếu bạn chọn vé tháng thẻ Suica thì tiếp tục chọn số tiền cần nạp hoặc チャージしない (Không nạp tiền).


+ Nạp tiền qua khe tiền và chờ máy xuất thẻ.

 


- Cách mua vé tháng tại quầy:


Các quầy bán vé thường được đặt ở các nhà ga lớn. Vì vậy bạn hãy tới những ga lớn trên những tuyến tàu mình sử dụng để đăng ký vé tháng nhé.


+ Điền vào 定期乗車券購入申込書 (Đơn đăng ký mua vé tháng): Điền những thông tin cần thiết vào đơn đăng ký đó: Họ tên, ngày bắt đầu sử dụng vé tháng, địa chỉ trường học/nơi làm việc của mình. 


+ Sau khi điền xong, bạn mang đơn đến quầy để nộp. Nếu mua vé tháng cho học sinh/sinh viên, tại đây bạn sẽ phải xuất trình thẻ học sinh/sinh viên do trường cấp. 


+ Vé tháng thường được phát hành dưới dạng thẻ IC (Làm thẻ mới sẽ mất 500 yên tiền mua thẻ). Nếu đã có thẻ IC, bạn xuất trình thẻ của mình để chuyển đổi thành vé tháng. Tùy từng công ty đường sắt mà loại thẻ IC khách hàng có sẵn có thể dùng làm vé tháng hoặc không.

 


4. Cách gia hạn vé tháng tàu điện ở Nhật

 

Việc gia hạn vé tức là kéo dài thời gian sử dụng vé khi sắp đến hạn. Thường được áp dụng cho vé tháng tàu điện.

 

Bước 1: Đến máy bán vé tự động (nếu dùng thẻ Suica thì chọn máy có in chữ suica, các thẻ khác cũng tương tự), chọn ô 定期券 (teikiken): Vé tháng, sau đó chọn tiếp ô 継続 (keizoku): Gia hạn. 


Bước 2: Cho thẻ cần gia hạn vào máy.


Bước 3: Chọn thời gian gia hạn thẻ.


Bước 4: Kiểm tra lại số tiền cần nạp, ngày hết hạn, lịch trình đã chọn,...


Bước 5: Cho tiền vào vị trí nạp tiền.


Bước 6: Nhận lại tiền thừa (nếu có), biên lai và thẻ.

 


IV. Cách đi tàu điện ở Nhật


1. Cách tra tàu điện ở Nhật


a. Cách tra tàu ở Nhật bằng Google maps



- Truy cập ứng dụng google map, chọn địa điểm đi và địa điểm tới, thời gian khởi hành hoặc thời gian tới nơi.


- Google map sẽ tự hiển thị nhiều lựa chọn, bạn hãy chọn tuyến đường, thời gian, giá tiền phù hợp với mình.



b. Phần mềm tra tàu điện ở Nhật:

 

Cách tra tàu bằng các app tra tàu cũng tương tự trên google maps.

Bạn chỉ cần nhập ga đi, ga đến, thời gian, app sẽ đưa ra các lựa chọn cụ thể: Thời gian, giá tiền, số lần chuyển tàu, lên những tàu nào, chờ tàu ở line bao nhiêu,...


Bạn có thể chọn các lộ trình phù hợp theo nhu cầu:


早い: Nhanh nhất

安い: Rẻ nhất

乗換少/楽: Chuyển tàu ít nhất.


Một số ứng dụng tra tàu điện phổ biến tại Nhật:


+ Yahoo!乗換案内 (Yahoo! Norikae annai)


Link tải app Yahoo!乗換案内: CH Play|App Store


App tra tàu nội địa Nhật được sử dụng nhiều nhất.

Có chuông báo khi tới điểm đến để tránh đi quá ga.



+ 駅すぱあと (Eki supa ato)


Link tải app 駅すぱあと: CH play|App store


駅すぱあと là app tra tàu đầu tiên được lập ra ở Nhật vào năm 1986 và cho đến năm 2011 thị họ cho ra thị trường app hỗ trợ IOS.

 Đưa ra lộ trình ngắn nhất, chi phí thấp nhất.

 Có thể đánh dấu lộ trình thường đi, giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

 Có thông tin thông báo chuyến tàu vào thời gian thực( đông, vắng,hay bị trễ ,bị dừng).

 Chứa hơn 200 dữ liệu xe buýt.



+ 乗換NAVITIME (Norikae NAVITIME)


Link tải app 乗換NAVITIME: CH Play|App Store


Navitime ra đời sau nên chức năng của nó giống như 駅すぱあと nhưng thông tin giao thông cho thời gian thực chính xác hơn.


+ Japan Transit Planner


Link tải app Japan Transit Planner: CH play|App Store


Dịch vụ Japan Transit Planner giúp bạn tìm kiếm các lộ trình, lịch trình tàu và máy bay trên toàn Nhật Bản.Thế mạnh của Japan Transit Planner là họ có thể đáp ứng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là Tiếng Việt.


2. Vào khu soát vé:

 

Khi bạn đã có vé hoặc thẻ IC trong tay bạn có thể tiến vào cửa soát vé, cho vé vào khe bước qua cửa và nhận vé ở đầu bên kia. Thẻ IC thì chỉ cần cho thẻ vào khe 1 giây là có thể qua được. Trường hợp bạn dùng thẻ JR pass thì phải đến nơi có người soát vé trực tiếp thì mới vào bên trong được. Nếu vé bạn hết hạn thì cửa sẽ  vẫn đóng và bạn không qua được.


 Riêng trường hợp đi shinkansen thì phải kiểm vé lần hai hoặc nhiều vé lẻ khác, các vé này được đóng dấu kiểm tra kỹ càng.



3. Trạm lên tàu


Bạn có thể đến đúng nơi đợi tàu bằng những chỉ dẫn theo tuyến, nội dung này được viết bằng cả tiếng Nhật, tiếng Anh đôi khi có tiếng Trung. Mỗi tàu đều có vạch chỉ dẫn trên sàn chỉ cửa lên tàu, bạn hãy chú ý những vạch đó để lên tàu nhé. Sau khi lên tàu thì hãy để túi xách, balo dưới sàn hoặc nơi để cố định. Lưu ý hãy đợi khách ở chuyến trước xuống rồi mới bước lên tàu nhé, không được đứng chặn ngay giữa cửa nhất là khi tàu đông.



4. Tại ga đến


Tên ga trước và ga sau được ghi trên bảng thông báo bằng tiếng Anh hoặc tiếng nhật. Tại ga đến bạn cũng đưa vé soát lại tại cổng soát vé, nếu vé đơn thì vé sẽ được giữ lại luôn trong máy.


Nếu giá vé bạn trả chưa đúng, có thể thanh toán thêm tại các máy bán vé tự động tại ga đến. Nếu không có máy bạn có thể đến trực tiếp tại quầy bán vé.



V. Một số lưu ý khi đi tàu điện ở Nhật



- Có rất nhiều vụ tai nạn từ vô ý đến cố ý xảy ra khi ngã vào đường ray tàu điện ở Nhật Bản, vậy nên điều đầu tiên khi đến nơi đợi tàu hãy lùi về sau vạch màu vàng để bảo vệ chính mình.


- Chú ý số line, bảng giờ tàu chạy, các bảng chỉ dẫn để lên đúng tàu, đúng giờ.


- Không được chen lấn, hãy đợi người chuyến trước xuống rồi mới lên tàu, va chạm nhau ở nơi đông người là điều cấm kỵ của Nhật. Hơn nữa, có thể gây ngã cho người khác và kéo theo nhiều người khác thì thật là tai hại.


- Tàu điện ở Nhật có những vị trí ưu tiên cho những đối tượng đặt biệt: người già, phụ nữ có thai,... Vậy nên nếu bạn không thuộc đối tượng trên hãy ngồi ghế ưu tiên khi xung quanh không có ai.


- Khi tàu đông, hãy đứng thật gọn gàng, không làm ảnh hưởng đến người khác.


- Khi đứng trên tàu, hãy bám vào tay vịn bên cạnh bạn được treo ở trên, cố gắng để không bị ngã vào người khác.


- Đặt hành lý gọn gàng trên giá để đồ, dưới chân hoặc trên đùi,... không cản lối đi của người khác.


- Việc đọc sách hay tranh thủ ngủ là thứ rất phổ biến ở Nhật, vậy nên tuyệt đối giữ im lặng khi lên tàu, đó là văn hóa của người Nhật.


- Nếu bạn muốn vượt qua khỏi đám đông trên tàu hãy dùng giọng lớn với ngữ điệu vừa phải thể hiện sự tôn trọng người khác.


- Hạn chế ăn uống trên tàu, vì đó là nơi công cộng nếu bạn làm bẩn thì không hay chút nào.


- Cũng như những nơi công cộng khác, bạn tuyệt đối không được hút thuốc, châm lửa,... khi lên tàu nếu không sẽ bị truy tố vì vi phạm luật của Nhật.



VI. Một số câu tiếng Nhật thông dụng được dùng ở ga tàu


1. すみませんが、地下鉄の入り口はどちらですか。

(すみませんが、ちかてつのいりぐちはどちらですか。)

Cho tôi hỏi lối vào tàu điện ngầm ở đâu vậy?


2. この電車は何時に出発しますか。

(このでんしゃはなんじにしゅっぱつしますか)

Chuyến tàu này xuất phát lúc mấy giờ?


3. あのう、私は大阪へ行きたいですが、何番線に乗った方がいいでしょうか。

(わたしはおおさかへいきたいですが、なんばんせんにのったほうがいいでしょうか。)

Tôi muốn tới Osaka thì phải bắt chuyến tàu nào nhỉ?


4. この座席にはだれか座っていますか。

(このざせきにはだれかすわっていますか。)

Ghế này có ai ngồi chưa?

 

5. 地下鉄の切符を買いたいですが、どこで売っていますか。

(ちかてつのきっぷをかいたいですが、どこでうっていますか。)

Tôi muốn mua vé tàu điện ngầm, phải mua ở đâu vậy?


6. この販売機はどうやって使いますか。

(このはんばいきはどうやってつかいますか。)

 Máy bán vé tự động này được sử dụng như thế nào nhỉ?



Với những chia sẻ ở trên, Sách tiếng Nhật 100 hi vọng các bạn sẽ có thêm những kiến thức cần thiết khi di chuyển bằng tàu điện ở Nhật nhé!

 

 

Sách 100 chúc bạn luôn mạnh khỏe, học tốt tiếng Nhật!


🎁 CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT "KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT" 

🎁 TÀI LIỆU TIẾNG NHẬT FREE

>>> Hướng dẫn giới thiệu bản thân bằng tiếng Nhật (bản chi tiết)

>>> Trọn bộ từ vựng tiếng Nhật theo chủ đề (PDF)


>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100 <<<

🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày

🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k

🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)

 

5

(2 đánh giá)

Để lại bình luận

Để lại bình luận