Ở Nhật có những nét văn hóa nổi bật gì?
Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng thế giới về nét văn hóa đặc trưng và thú vị. Vậy người Nhật đã sáng tạo ra những nét văn hóa nổi bật nào? Hãy cùng Sách 100 tìm hiểu nhé!
I. Văn hóa trà đạo - 茶道
Trà đạo từ lâu đã trở thành một nét văn hóa truyền thống nổi bật của Nhật Bản. Không chỉ đơn giản là pha trà, uống trà, người Nhật coi trà đạo như là một phương pháp hữu hiệu và quan trọng để rèn luyện sự tỉ mỉ, kiên nhẫn cũng như học cách gột rửa tâm hồn, hòa mình vào thiên nhiên.
1. Nguồn gốc văn hóa trà đạo
Theo truyền thuyết, vào khoảng cuối thế kỷ XII - thời kỳ Kamakura, cao tăng thuộc phái thiền Rinzai của Nhật Bản là Thiền sư Eisai đã mang một thứ trà xanh dạng bột từ Trung Quốc về Nhật Bản.Từ đây, uống trà được xem là thú vui tao nhã mà chỉ dành cho tầng lớp quý tộc giàu có tại Nhật.
Đến thời Muromachi, nhà sư Murata Juko đã tìm ra nét đẹp giản dị nhất trong văn hóa uống trà và bắt đầu hình thành văn hóa trà đạo.
Vào cuối thế kỷ XVI - thời Azuchi Momoyama, Senno Rikyu (1522-1591) đã kết hợp việc uống trà với các triết lý Thiền và từ đó hình thành một trường phái có cách pha và uống trà khác biệt với thông thường, được coi là nguyên mẫu của văn hóa trà đạo ngày nay.
2. Các loại trà Nhật Bản
Người Nhật không chỉ tỉ mỉ, cầu kỳ trong việc pha trà mà còn tinh tế từ khâu trồng trà, thưởng trà. Trà Nhật có đến hơn 10 loại mà tùy theo mục đích sử dụng và thời điểm mà được dùng làm trà. Có loại dùng để uống hằng ngày, loại dùng để mời khách và có cả loại cả năm chỉ uống vài lần tùy theo sở thích, giá cả và mùa trong năm. Một số loại trà mà người Nhật hay dùng như:
- Sencha: trà lá được uống trong cuộc sống hàng ngày, chiếm 80% sản lượng trà Nhật. Lá trà được sấy ngay sau khi hái để ngăn chặn sự lên men; tạo màu sắc tươi sáng, sống động cho trà.
- Houjicha: Lá trà Sencha khi đem sao ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành loại trà khác, tên là Houjicha, có màu nâu. Điểm đặc trưng của Houjicha là hương thơm bốc lên ngào ngạt ngay khi cho nước nóng vào. Đây là loại trà được uống nhiều xếp sau Sencha, được mọi thế hệ yêu thích. Do lá trà được sao nên giảm đi rất nhiều lượng caffeine và tanin.
- Matcha: Sau khi hái, lá trà được đem đi hấp rồi sấy khô. Trước khi được nghiền thành bột bằng cối xay, người ta phải loại bỏ cuống thân và gân lá. Matcha tuy phổ biến và được sử dụng rộng rãi khi làm các món ngọt nhưng ngày nay, người Nhật chỉ uống Matcha vào những dịp đặc biệt.
- Mecha: Đây là loại trà thượng hạng nhất trong các loại trà truyền thống của Nhật Bản bởi khâu tuyển chọn nguyên liệu và chế biến vô cùng tinh tế.
3. Phòng trà - nơi thưởng thức trà
Phòng trà (hay còn gọi là trà thất) là một căn phòng được trang trí đơn giản dành riêng cho việc uống trà. Trong phòng thường trải chiếu tatami hoặc chiếu tre hình vuông, tùy số lượng khách. Xung quanh phòng được trang trí bằng những bức tranh thiên nhiên hoặc vài câu thơ tả cảnh, trông có phần đơn giản. Ngoài ra ở góc phòng, người ta hay đặt một chiếc lư hương với hương thơm thoang thoảng khiến cho mọi người cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
4. Các bước thưởng trà chuẩn Nhật
- Bước 1: Nước pha trà
Nước pha trà thường là nước suối, nước giếng hoặc nước mưa. Nước được đun đến khoảng 80-90 độ chứ không đun sôi 100 độ để khi pha nước trà có màu đẹp hơn.
- Bước 2: Làm ấm dụng cụ pha trà và chén uống trà
Trước khi pha trà, chén uống và ấm pha phải được tráng bằng nước sôi ở trong bình thủy tinh. Mục đích là làm ấm dụng cụ pha và chén uống. Sau đó lau khô bằng khăn sạch.
- Bước 3: Pha trà
Thông thường người ta hay sử dụng loại trà xanh trung bình để pha. Với loại trà này, người ta thường pha làm 3 lần:
+ Lần 1: Chỉ sử dụng nước nóng khoảng 60 độ để pha trà. Với nhiệt độ này, thì phải ngâm trà 2 phút để cho trà ngấm thì mới rót ra mời khách. Để có được nhiệt độ khoảng 60 độ thì người ta phải rót nước sôi từ bình thủy tinh ra một bình trà khác nhằm cho giảm nhiệt độ như yêu cầu để pha trà.
+ Lần 2: Lúc này khi trà đã ngấm và nở, người pha trà phải dùng nước có nhiệt độ khoảng 80 độ để pha. Chỉ cần để khoảng 40 giây là có thể rót ra mời khách được.
+ Lần 3: Cũng pha tương tự như lần 2, chỉ có điều là nước pha ở lần 3 này khoảng 90 độ C.
👉 Lượng nước pha trà của mỗi lẫn sẽ chỉ đủ rót ra cho khách. Không nên pha quá nhiều nước hay ít nước làm chè quá loãng hay quá đặc.
- Bước 4: Rót trà
Để tránh tình trạng rót trước rót sau khiến độ đậm nhạt của trà khác nhau. Vì thế, trước khi mời khách người rót trà thường rót lần lượt vào mỗi chén khoảng 1/3 chén. Sau đó sẽ rót lần thứ 2 theo thứ tự rót ngược lại. Cứ như vậy đến khi đầy chén. Sau đó mới đem ra mời khách.
- Bước 5: Uống trà
Để tăng thêm hương vị của trà, người Nhật thường ăn kèm một số loại bánh ngọt - wagashi khi uống. Người uống phải ăn hết bánh trong miệng rồi nhấp một ngụm trà để cảm nhận được vị ngon của trà xanh.
II. Văn hóa đọc - 読書文化
Nhật Bản hiện nay được coi là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng không vì vậy mà họ bỏ qua những nét đẹp truyền thống, đặc biệt là văn hóa đọc. Người Nhật thường đọc sách chữ là chủ yếu. Họ đọc mọi lúc mọi nơi, đọc sách trên đường, đọc sách trên các phương tiện công cộng, thậm chí đứng đọc sách.
1. Tính truyền thống trong văn hóa đọc của người Nhật
Ngay từ thời cổ đại và trung đại, người Nhật đã thể hiện tinh thần ham học hỏi của mình. Họ cử sứ giả, nhà sư và học sinh xuất sắc sang nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc để học tập.
Vào thời Edo (1603-1867), có khoảng hơn 50% số người Nhật thông thạo đọc, viết. Chính điều này đã làm nên thành công của cuộc Duy tân Minh Trị, đưa Nhật Bản trở thành cường quốc quân sự và công nghiệp thế giới đầu thế kỳ XX.
2. Những nét nổi bật trong văn hóa đọc của người Nhật
- Người Nhật đánh giá cao vai trò của việc đọc sách đối với sự phát triển của con người, đồng thời đối với sự hưng thịnh của quốc gia. Chính phủ nước này đã thông qua các bộ luật nhằm khuyến khích trẻ em đọc sách. Ngoài ra, còn dành riêng ngày 23- 4 hàng năm là “Ngày trẻ em đọc sách”.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đọc to”. Trẻ em tại Nhật được khuyến khích đọc to, đọc thành lời bởi người Nhật tin rằng, đó là cách giúp con trẻ nuôi dưỡng sự tự tin và trau dồi khả năng ngôn ngữ.
- Văn hóa đọc đứng - 立ち読み (tachiyomi) : Bất cứ đâu trên khắp nước Nhật, bạn đều có thể bắt gặp hình ảnh từ trẻ đến người trưởng thành đứng đọc sách. Do thường phải di chuyển trên những phương tiện công cộng buộc họ phải tận dụng mọi không gian, thời gian để đọc sách.
- Những cuốn sách nhỏ nhất thế giới: có lẽ vì quá yêu sách nên người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn để phù hợp với sự di chuyển. Những cuốn sách mini - nhỏ nhưng có võ được in bằng giấy siêu mỏng, mỗi cuốn lên đến hàng trăm trang rất được người Nhật yêu thích và lựa chọn mỗi khi đi đường xa.
- Tại khu phố Kanda, người ta đã xây dựng một quảng trường với những quầy sách miễn phí, từ sách đang hot đến sách chuyên ngành, từ sách mới nhất đến những cuốn đã ngừng xuất bản đều được bày tại đó. Bạn có thể ghé thăm và đọc bất cứ cuốn nào với mức giá 0 đồng.
III. Văn hóa cosplay
1. Nguồn gốc
Cosplay là từ tiếng anh do người Nhật sáng tạo bằng cách kết hợp 2 từ “costume” - “trang phục” và “roleplay” - “nhập vai”.
Cosplay dùng để chỉ việc người hâm mộ các nhân vật trong manga, truyện tranh Nhật Bản, anime, tiểu thuyết đồ họa, video games, phim giả tưởng, hoá trang và mô phỏng điệu bộ, phong cách của nhân vật mà mình yêu thích.
Cosplayers thường lập ra những nhóm hoặc câu lạc bộ để luyện tập và diễn cùng nhau.
Ngoài ra họ cũng tham gia những sự kiện hay lễ hội liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật mà có nhân vật giả tưởng mà mình yêu thích.
2. Sự ra đời của văn hóa cosplay tại Nhật Bản
Vào năm 1978, trong một đại hội khoa học giả tưởng diễn ra tại tỉnh Kanagawa, có một nhà phê bình văn học đã hóa trang thành tiểu thuyết gia nổi tiếng Edgar Rice Burroughs.
Đến năm 1982 có một nhóm bạn trẻ mặc trang phục giống các nhân vật trong manga, anime xuất hiện tại Comic Market nhỏ tại Nhật.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, tại các World Science Fiction Convention (WorldCon, Lễ hội Khoa học viễn tưởng) ở trời Tây đã xuất hiện những người ăn mặc đóng giả nhân vật trong các tác phẩm hư cấu, gọi là tiết mục masquerade (hóa trang). Nobuyuki Takahashi của Studio Hard sau khi trải nghiệm lễ hội vào năm 1984 tại Los Angeles đã viết một bài báo cho tờ My Anime miêu tả lại sự kiện đặc sắc này. Đề cập đến sự kiện này, ông đã tạo ra một thuật ngữ mới, dùng cách thông thường của người Nhật là lấy âm tiết đầu của các từ hiện có để ghép thành từ mới, thế là “cos” (コス) của “costume” gộp với “play” (プレ) trở thành “Cosplay” (コスプレ).
Từ đó, văn hóa cosplay của Nhật đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ thậm chí vượt xa ngoài biên giới Nhật Bản như ngày nay.
3. Các phong cách cosplay phổ biến
- Cosplay nhân vật trong anime
Đây là phong cách thường gặp nhất. Càng ăn mặc và thần thái giống nhân vật thì càng được đánh giá cao
- Cosplay Lolita
Lolita là kiểu thời trang của Nhật Bản chịu ảnh hưởng của phong cách thời Victoria. Những cosplayers lolita thường mang hình ảnh ngọt ngào, dễ thương mà không kém phần quyến rũ và cuốn hút. Do trang phục theo phong cách này khá đắt đỏ nên việc Cosplay Lolita thường khá tốn kém.
- Cosplay nữ sinh
Phong cách này khá được ưa chuộng tại Nhật bởi khi khoác lên người bộ đồng phục, người ta sẽ có cảm giác như trở về thời thanh xuân...
... hoặc không
- Cosplay hầu gái
Hình tượng những cô hầu gái thường được xem là dễ thương và có nét quyến rũ riêng, cũng là một hình ảnh phổ biến để cosplay. Tuy nhiên, kiểu cosplay này cần được thể hiện khéo léo bởi ranh giới giữa gợi cảm, cuốn hút và phản cảm là khá mong manh.
- Phong cách Miko
Miko (巫女) là những vu nữ ở các đền thờ Nhật Bản. Hình ảnh các vu nữ trong quần Hakama đỏ và áo Kosode trắng (một dạng áo tiền thân của Kimono) vừa thuần khiết vừa bí ẩn luôn là một trong những hình tượng cuốn hút nhất Nhật Bản, nên cũng trở thành phong cách cosplay được ưa chuộng.
- Phong cách Genderbend
Đây cũng là một kiểu cosplay khá mới mẻ và phổ biến. Cosplayers sẽ tái hiện lại nhân vật của mình theo phiên bản có giới tính đối lập. Kiểu cosplay này đem đến sự sáng tạo và được rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ ngày nay ưa chuộng.
4. Những điều có thể bạn chưa biết về văn hóa cosplay tại Nhật
- Cosplay được coi là một môn nghệ thuật. Không chỉ đơn giản là mặc quần áo giống nhân vật, cosplayers phải thể hiện được thần thái và điệu bộ giống hệt những nhân vật đó.
- Cosplayers nam có thể hóa thân thành nhân vật nữ và ngược lại. Những cosplayers là nam đôi khi tái hiện lại nhân vật nữ còn được đánh giá là giống hơn so với cosplayers nữ.
- Sự cầu kỳ, tinh tế trong trang phục và đạo cụ. Mọi thứ đều được cosplay hoàn hảo đến từng chi tiết, màu sắc
- Phố Akihabara được xem là thánh địa của cosplayer. Bạn có thể đến thăm Tokyo vào cuối tuần, dạo quanh Akihabara và chụp ảnh với cosplayers của mình.
- Các lễ hội cosplay cũng được tổ chức hàng năm với quy mô vô cùng lớn, đón tiếp hàng nghìn lượt khách du lịch trong ngoài Nhật Bản. Bạn có thể tìm hiểu về hai lễ hội lớn là Comiket và Anime Japan.
>>> Xem thêm: Wibu là gì? Những thuật ngữ trong manga/anime có thể bạn chưa biết
IV. Văn hóa chào hỏi
“Lời chào cao hơn mâm cỗ” - đạo lý này không chỉ người Việt mà cả người Nhật cũng đặt lên hàng đầu.
1. Cách cúi chào
Nếu như ở Việt Nam, người ta thường bắt tay khi chào hỏi thì Nhật Bản lại rất kiêng kỵ chạm vào cơ thể đối phương. Thay vào đó họ cúi gập người thể hiện sự tôn trọng và thay cho câu chào hỏi.
Những nguyên tắc khi cúi chào:
- Luôn phải giữ cho lưng thật thẳng khi cúi chào
- Nửa thân trên nhẹ nhàng hướng về phía trước, nửa thân dưới giữ thật thẳng
- Mắt luôn hướng xuống khi ta thực hiện động tác cúi đầu. Càng cúi lâu thì càng thể hiện sự tôn trọng của chúng ta với người đối diện
- Đối với nữ thì đặt hai tay ở vạt áo trước thành hình chữ V, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái
- Đối với nam thì hai tay đặt dọc theo thân
👉 Tùy vào địa vị xã hội và quan hệ giao tiếp mà người Nhật có các kiểu cúi đầu khác nhau, nhưng một nguyên tắc bất di bất dịch là “người cấp dưới” luôn phải chào “người cấp trên” trước.
2. Các tư thế chào hỏi
- Kiểu Eshaku (会釈)
Đây là kiểu chào đối với những người cùng độ tuổi, cùng tầng lớp và địa vị xã hội, thể hiện sự thân mật, nhẹ nhàng.
Ở kiểu này, thân và mình chỉ hơi cúi khoảng 15 độ trong vòng từ một đến hai giây, hai tay có thể để bên hông.
Eshaku cũng là điệu chào đơn giản nhất và được dùng nhiều nhất trong ngày của người Nhật vì họ chỉ chào đúng theo lễ trong lần gặp đầu tiên trong ngày, từ những lần gặp sau họ thưởng chỉ khẽ cúi chào.
- Kiểu chào Keirei (敬礼)
So với Eshaku thì Keirei thể hiện sự trang trọng ở mức độ cao hơn. Keirei dùng trong chào hỏi với cấp trên, những người lớn tuổi hơn hoặc khách hàng, đối tác làm ăn,...
Khi thực hiện kiểu chào này, người Nhật sẽ cúi thấp từ 30 đến 35 độ trong khoảng 2 đến 3 giây. Trong trường hợp bạn đang ngồi trên sàn đất mà muốn thực hiện động tác chào này thì hai tai phải úp xuống mặt đất và cách nhau từ 10 đến 20cm, khoảng cách từ đầu tới sàn khi cúi nên ở mức 10 đến 15cm.
- Kiểu Saikeirei (最敬礼)
Kiểu chào này thể hiện sự tôn trọng cao nhất tới đối phương. Người Nhật thường dùng Saikeirei để thể hiện lòng biết ơn, niềm kính trọng tới các đấng tối cao và thiêng liêng như Thần, Phật, Chúa Trời, quốc kỳ hoặc đối với các bậc sinh thành như ông bà, cha mẹ,...Kiểu chào này cũng thay cho lời xin lỗi, thể hiện thành ý của người Nhật Bản.
Càng trang trọng thì cúi người càng thấp, vì vậy mà khi chào Saikeirei, người Nhật sẽ cúi khoảng 45 đến 60 độ và giữ nguyên trong khoảng 3 giây, thậm chí lâu hơn.
Thường thì người Nhật sẽ nói lời chào trước rồi mới cúi đầu hoặc thực hiện song song cả hai hành động: vừa nói lời chào vừa cúi đầu.
>>> Xem thêm: Điểm danh những quy tắc chào phổ biến kiểu Nhật
V. Văn hóa ngày Tết
1. Các phong tục đón Tết của người Nhật
Người Nhật không phân chia Tết Dương và Tết Âm. Họ ăn Tết đúng 1 lần trong năm vào ngày 1-1 Dương lịch.
🌸 Osouji - Dọn dẹp
Cũng giống như Việt Nam, người Nhật quan niệm năm mới - khởi đầu mới, vì vậy mà họ thường vứt bỏ đồ đạc cũ, dọn dẹp sạch sẽ đón năm mới.
🌸 Trang trí nhà đón Tết
Sau đợt Osouji, người Nhật sẽ trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Bởi vì số 29 trong tiếng Nhật phát âm gần giống với “Nijyu no kurushimi”, tức “Hai lần nỗi đau”, và nếu trang trí nhà cửa vào ngày 31 thì quá cận sát với ngày Tết, cho nên người Nhật thường trang hoàng từ ngày 28.
Nếu như ở Việt Nam có hoa đào, hoa mai là đặc trưng ngày Tết thì người Nhật cũng có những đặc phẩm riêng.
🌸 Kagamimochi: Mâm bánh dày - Mochi cùng một quả quýt Nhật - Mikan bên trên. Đây là nơi các vị thần trú lại khi đến thăm nhà, được đặt ở nơi trang trọng và xinh đẹp nhất của ngôi nhà.
🌸 Kadomatsu: Gồm cành thông và 3 ống tre tươi vát chéo, được xem là dấu hiệu của Thần linh. Người Nhật trang trí Kadomatsu ngay trước nhà và sử dụng các loài cây mang ý nghĩa phúc lành như thông, tre…
🌸 Shimekazari: được trang trí ngay lối vào nhà và bàn thờ, nhằm thể hiện ngôi nhà là nơi linh thiêng và có tác dụng trừ tà.
🌸 Toshikoshi soba và Joya no Kane
Ăn toshikoshi Soba - mì trường thọ là một phong tục truyền thống vào đêm Omisoka. Người Nhật thường thưởng thức Toshikoshi Soba trong tiếng chuông chùa - Joya no Kane.
Các ngôi chùa ở mỗi địa phương sẽ gióng lên 108 tiếng chuông thánh thót - tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo cách nghĩ của Phật giáo, từ lúc vừa qua 23 giờ ngày 31, kéo dài đến 0 giờ ngày hôm sau.
Các đài truyền hình đều phát sóng sự kiện này nên nếu gần nhà không có ngôi chùa nào, bạn vẫn có thể lắng nghe thời khắc này.
>>> Xem thêm: Ngày Tết Nhật Bản và 19 câu chúc Tết hay nhất bằng tiếng Nhật
2. Người Nhật thường làm gì vào ngày Tết?
Ngày 1/1 - “Gantan” là ngày bắt đầu năm mới ở Nhật.
Từ ngày 1 đến ngày 3 được gọi là “San ga Nichi” và là ngày nghỉ Tết của nhiều công ty, cửa hàng. Tùy vào từng địa phương mà thời gian kéo dài ngày Tết - “Matsu no Uchi” - là khác nhau, như Tết ở những vùng gần Tokyo kéo dài đến ngày 7/1, còn những vùng gần Osaka kéo dài đến ngày 15/1.
Vật trang trí ngày Tết sẽ được tháo xuống vào ngày cuối cùng của Matsu no Uchi.
Người Nhật làm gì vào những ngày Tết?
- Đi chúc Tết : Vào ngày Gantan - 1/1 , người Nhật sẽ thong thả thưởng thức Osechi và Ozouni. Sau đó, mọi người sẽ cùng về quê thăm gia đình hoặc họp mặt người thân.
- Đi chùa cầu bình an, may mắn: tiếng Nhật là Hatsumoude, là chuyến viếng thăm Thần điện đầu tiên của năm mới. Vào dịp này, Thần điện nào cũng đông đúc, nhất là những Thần điện nổi tiếng ở Asakusa hay Kyoto, các đoàn người xếp thành hàng dài nối đuôi nhau vào điện Thần. Tiền dâng hương thường là đồng 5 yên, vì phát âm là “Go en”, đồng âm với chữ “Duyên” hay “May mắn”.
- Các hoạt động như viết thư pháp, võ, lễ hội trà đạo, ngắm hoa sẽ diễn ra từ ngày 2/1, tùy theo mỗi gia đình, theo sở thích, kế hoạch riêng của họ, đi chơi hay đi du lịch ngắn ngày.
- Chơi những trò chơi dân gian: Đây là hoạt động được nhiều người tham gia và tỏ ra thích thú. Các trò chơi mà người Nhật Bản hay chơi vào dịp năm mới là thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…
3. Những nét độc đáo trong ngày Tết của người Nhật
- Viết thiệp năm mới: hay còn gọi là Nengajo. Người Nhật sẽ chuẩn bị những tấm thiệp này từ trước, viết vào đó những lời chúc sức khỏe, cầu bình an,... và tặng nó cho người thân, bạn bè. Ngày nay, do khoảng cách địa lý xa xôi, người ta cũng lựa chọn viết Nengajo bằng email hay qua mạng xã hội.
- Hatsu yume: là giấc mơ vào đêm ngày 1/1 đến sáng ngày 2/1. Những điều bạn mơ thấy trong Hatsuyume được cho là sẽ báo trước điềm lành hoặc điềm dữ trong một năm. Nếu mơ thấy “Ichi Fuji Ni Taka San Nasubi”, có nghĩa là “Nhất Phú Sĩ - Nhì đại bàng - Ba cà tím”, thì bạn sẽ gặp may mắn cả năm. Trong tiếng Nhật, núi Phú Sĩ đồng âm với từ “Trường thọ”, đại bàng là “Thành công” còn cà tím là “Con cháu đầy đàn”.
- Khi các vị Thần ngự trong nhà vào dịp đầu năm, tuyệt đối không được ăn chiếc bánh dày dùng để mời Thần linh - Kagamimochi. Việc thưởng thức Kagamimochi sau khi vị Thần đi khỏi gọi là “Kagamibiraki”. Tùy từng địa phương mà thời gian của Kagamibiraki là khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày 11/1. Người Nhật cho rằng Thần linh rất ghét những vật nhọn, nên mọi người thường dùng chày gỗ để đập nhỏ bánh dày (lúc này còn cứng) rồi cho vào món súp Ozoni hay Shiruko - món chè đậu đỏ ăn kèm bánh dày. “Vậy là cuối cùng cũng hết Tết rồi nhỉ” là cảm giác khi ăn món ăn này.
VI. Văn hóa đúng giờ
Đúng giờ được coi là một nét văn hóa đáng khâm phục của người Nhật. Trẻ em Nhật được cha mẹ dạy cách quý trọng thời gian và tuân thủ lời hứa từ khi còn bé. Vậy nên các từ nhà trường đến công ty hay các cuộc hẹn cá nhân, thậm chí là giờ giấc của các phương tiện giao thông công cộng hiếm khi bị trễ.
- Đúng giờ, đúng hạn: Người Nhật không thường hủy hẹn vào phút chót. Nếu có việc đột xuất, họ sẽ gọi điện báo trước và cảm thấy vô cùng có lỗi vì đã để bạn phải chờ. Nếu có hẹn, họ thường sẽ tới điểm hẹn sớm từ 5- 15 phút để chuẩn bị, dù là hẹn cá nhân hay vì công việc.
- Các phương tiện công cộng vô cùng đúng giờ, bạn chỉ cần trễ 30s là sẽ phải đi chuyến khác.
- Nguyên tắc của người Nhật là ai hẹn trước nhận lời trước, không vì thân quen mà hủy hẹn người này để gặp người kia.
- Nhân viên luôn được yêu cầu phải giữ đúng hẹn, tuyệt đối không được để khách chờ.
- Việc đến trước giờ hẹn 5 phút được coi là văn hóa tối thiểu của người đi làm.
- Hẹn qua điện thoại trước khi đến công ty được coi như một phép lịch sự. Nếu vì lý do nào đó không thể đến công ty đúng giờ thì bạn cần thông báo trước qua điện thoại.
- Đến công ty đúng giờ được coi là một nguyên tắc, thậm chí phải chạy thật nhanh cho kịp giờ làm việc.
VII. Văn hóa làm việc và công sở
Người nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây rất thích được hợp tác với các công ty Nhật Bản. Ngoài sự tỉ mỉ, kỹ càng trong các khâu sản xuất, có lẽ thái độ nghiêm túc, chuẩn mực khi làm việc cũng là một trong những lý do giúp các doanh nghiệp Nhật Bản ghi dấu trong lòng nhà đầu tư.
- Tăng ca cũng là một nét đẹp văn hóa:
Tăng ca (残業 - zangyou) hay làm thêm giờ được coi là điều hiển nhiên đối với dân văn phòng Nhật. Người Nhật tin rằng làm thêm giờ chính là một cách để thể hiện sự cống hiến hết mình vì doanh nghiệp. Đồng thời các chủ doanh nghiệp cũng thường dựa vào thời gian làm việc để quyết định thăng tiến.
- Luôn tôn trọng quy tắc, luật lệ:
Tính kỷ luật luôn luôn được người Nhật đặt lên hàng đầu trong công việc. Trong giờ làm việc, họ sẽ tập trung cao độ để tạo ra năng suất cao chứ không vừa làm vừa chơi.
- Bỏ qua cái tôi, luôn hết mình vì tập thể:
Hy sinh cái tôi vì tập thể không phải là dễ dàng, nhưng đây lại là điều phổ biến với người Nhật. Người Nhật quan niệm mọi sự thành công đều đạt được nhờ những đóng góp và nỗ lực của cả tập thể, vậy nên họ sẵn sàng chịu thiệt về phần mình để đem lại lợi ích cho tập thể.
- Làm việc suốt đời:
Những người già trên 60 tuổi vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu là điều không hiếm ở Nhật. Không chỉ đơn thuần là muốn kiếm thêm thu nhập, sự chăm chỉ, cần cù của họ đã khiến họ không thể ngồi yên nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến.
- Trung thành với một công ty
Người Nhật thường không có thói quen “nhảy việc”. Họ sẽ làm ở một công ty từ khi bắt đầu cho đến lúc nghỉ hưu, để có thể cống hiến trọn vẹn cho công ty đó.
- Trang phục gọn gàng nơi công sở
Không giống như các nước khác, coi trọng sự thoải mái và tính cá nhân, trang phục đi làm của người Nhật hoàn toàn được quy định theo một quy chuẩn không thể thay đổi. Bạn buộc phải tuân theo nếu không muốn bị cấp trên la mắng.
Nam giới tại Nhật thường mặc vest đen cùng sơ mi trắng và có thắt cavat bên trong khi đi làm.
Còn với nữ giới, trang phục sẽ là áo vest đen cùng sơ mi trắng và chân váy chữ A dài đến đầu gối. Trong đó chân váy không được quá ngắn.
- Tôn trọng danh thiếp
Người Nhật, dù làm việc trong văn phòng hay không, cũng đều có con dấu và danh thiếp. Vậy nên nếu một người Nhật đưa danh thiếp cho bạn, nghĩa là họ đang giới thiệu bản thân mình và muốn làm quen với bạn. Hãy nhận nó bằng cả hai tay và cúi người thật thấp để thể hiện sự tôn trọng nhé!
VIII. Văn hóa giao thông
Quốc đảo Nhật Bản đã rất thành công trong việc khắc phục những khó khăn về địa hình và xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi. Mức độ an toàn khi tham gia giao thông ở nước này được đánh giá ở top đầu trên thế giới.
1. Văn hóa giao thông dành cho người đi ô tô, xe máy
- Tay lái bên phải, di chuyển bên trái: ở Nhật, các phương tiện giao thông xe cộ sẽ đi bên trái, người đi bộ đi bên phải. Để phù hợp với hướng di chuyển thì ghế ngồi của tài xế ở bên Nhật sẽ được thiết kế ở bên phải, điều này trái ngược với Việt Nam.
- Người uống rượu bia thì tuyệt đối không được điều khiển phương tiện. Ở Nhật, lỗi lái xe khi trong tình trạng say xỉn bị xử phạt rất nặng. Dù chỉ một lần bị phát hiện bạn có thể bị tước bằng vĩnh viễn, đồng nghĩa với việc sẽ không thể lái xe, và không có cơ hội hối lỗi.
- Khi lên xe hơi, tất cả người lái xe, người ngồi sau xe đều phải thắt dây an toàn.
- Với người điều khiển xe máy, không được phép chở thêm người khác, chỉ được đi một mình.
- Khi lái xe ô tô, không được sử dụng điện thoại.
- Luôn chú ý nhường đường cho người đi bộ.
2. Văn hóa giao thông dành cho người đi xe đạp
- Người sử dụng xe đạp chỉ đi 1 người, tuyệt đối không chở thêm người thứ 2
- Nếu di chuyển buổi tối, xe đạp phải bật đèn, hoặc được gắn những thiết bị phản quang để đảm bảo an toàn.
- Chú ý nhường đường cho người đi bộ.
3. Văn hóa giao thông dành cho người đi bộ
- Tuyệt đối tuân thủ các tín hiệu đèn giao thông ngay cả khi bạn đang vội.
- Với những nơi có vỉa hè, người đi bộ phải đi lên vỉa hè, nơi không có vỉa hè phải đi bên phải đường.
- Không nên băng qua đường từ giữa các xe đang dừng và đậu lại.
4. Văn hóa giao thông khi sử dụng phương tiện công cộng
- Luôn giữ yên lặng: Người Nhật rất tôn trọng sự riêng tư, vì vậy bạn phải đảm bảo tắt chuông điện thoại hoặc chỉnh ở mức âm lượng nhỏ nhất để không làm phiền ai.
- Luôn xếp hàng: Dù có đông đúc đến đâu, người Nhật cũng xếp thành 2 hàng và đứng sau vạch kẻ để chờ tàu đến. Hoàn toàn không có cảnh chen chúc, cãi nhau xem ai lên trước, ai lên sau.
- Không có thói quen nhường ghế: đây được coi là điểm khá đặc biệt trong văn hóa công cộng tại Nhật. Trên các phương tiện giao thông công cộng thường sẽ có ghế chuyên dụng dành cho phụ nữ có thai, người khuyết tật, người già và trẻ em. Ngoài ra, nhiều người ở Nhật cũng cảm thấy không thoải mái khi được nhường ghế do cảm thấy mình bị cho là già.
- Nghề “đẩy khách”: Mỗi chuyến tàu của Nhật đều rất đông khách và lượng khách trở nên đông không tưởng nổi vào những giờ cao điểm. Để tránh tình trạng cửa tàu điện không đóng được dẫn đến chậm trễ giờ xuất phát cũng như giúp nhiều khách không lỡ chuyến tàu, nghề đẩy khách ra đời tại Nhật với tên gọi là oshiya. Nhiệm vụ của họ là nhét khách làm sao cho vừa khít để kịp giờ tàu.
- Luôn phục vụ tốt người khuyết tật: Người khuyết tật có thể nhận hỗ trợ lên xuống tàu, xe buýt hay bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào nếu thông báo với nhân viên phục vụ tên điểm đến đến và số hiệu xa. Khi đó, nhân viên sẽ đến tận nơi đón và mang theo dụng cụ chuyên dụng để thuận tiện cho xe lăn di chuyển.
- Luôn đúng giờ: Các phương tiện công cộng như tàu điện, tàu ngầm,... tại Nhật nổi tiếng luôn đúng giờ khiến cả thế giới khâm phục, theo thống kế hàng năm tàu điện chỉ trễ khoảng 7 giây vậy nên đây là phương tiện công cộng được người dùng hài lòng nhất khi sử dụng. Tàu điện chỉ trễ khi có thiên tai hoặc các vụ tai nạn liên quan đến tự tử.
Quả là thú vị và đầy bất ngờ phải không nào? Sách 100 hy vọng bài viết trên có thể cung cấp thêm thông tin bổ ích về nước Nhật cho bạn đọc!
>>> Xem thêm: Nên nói gì khi tặng quà cho người Nhật?
Chúc các bạn học tốt và giữ gìn sức khỏe nhé!
🎁 CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT "KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT"
>>> Hướng dẫn giới thiệu bản thân bằng tiếng Nhật (bản chi tiết)
>>> Trọn bộ từ vựng tiếng Nhật theo chủ đề (PDF)
>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100 <<<
🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày
🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k
🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)