Cách viết CV tiếng Nhật (Đi phỏng vấn làm thêm Baito) – Sách 100

Cách viết CV tiếng Nhật (Đi phỏng vấn làm thêm Baito)

Ngày đăng: 16/11/2019 - Người đăng: Nguyễn Ly

Cách viết CV - sơ yếu lý lịch tiếng Nhật (Đi phỏng vấn làm thêm Baito)


Cách viết sơ yếu lý lịch chuẩn form Nhật



Khi đi phỏng vấn làm thêm (Baito) ở Nhật, hay đi xin việc ở bất cứ đâu tại Nhật, điều chúng ta phải thông thạo đầu tiên chính là cách viết SƠ YẾU LÝ LỊCH - 履歴書 (CV). 


Sơ yếu lý lịch là công cụ đầu tiên để nhà tuyển dụng nắm bắt được thông tin cơ bản về bạn, từ đó khai thác thêm thông tin và điều kiện của bạn thông qua buổi phỏng vấn. Cũng có nơi không yêu cầu sơ yếu lý lịch, nhưng trường hợp này không nhiều. Vậy nên nếu có ý định đi làm thêm thì trước hết bạn cần chuẩn bị sơ yếu lý lịch của bản thân nhé!


Không phải ai cũng biết cách viết sơ yếu lý lịch chuẩn, đặc biệt là chuẩn Nhật. Trong bài viết này, Sách tiếng Nhật 100 sẽ hướng dẫn bạn cách viết sơ yếu lý lịch chuẩn Nhật nhé!


CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC NHỮNG GÌ KHI VIẾT SƠ YẾU LÝ LỊCH?


1/Hồ sơ Sơ yếu lý lịch: 


Ở Nhật, hồ sơ để viết Sơ yếu lý lý lịch cũng khá dễ mua, nó có bán ở các cửa hàng tiện dụng hay các cửa hàng 100 yên.


Mình khuyên các bạn nên mua ở các cửa hàng tiện dụng, vì sơ yếu lý lịch bán ở đây có chất lượng giấy và mực tốt hơn ở các cửa hàng 100 yên.


- Loại dành cho xin việc làm thêm (パート・アルバイト)


- Loại dành cho xin việc chính thức (一般用)


- Loại dùng để chuyển việc (転職者用)


2/Ảnh thẻ:


Đồng thời chúng ta cần chuẩn bị ảnh để dán lên sơ yếu lý lịch.


- Nếu bạn không có sẵn ảnh chứng minh thư trong tay thì đi ra ga hoặc chỗ nào có bốt máy chụp ảnh chứng minh thư để chụp nhé (gọi là 証明写真ボックス).


- Khi chụp ảnh nên mặc áo có cổ màu trắng hoặc mặc vest.


- Ảnh chụp thường là cỡ 3x4. Chụp xong cắt gọt ra chỉnh chu rồi dán vào tờ sơ yếu lý lịch.


- Nên viết thêm tên họ ngày tháng năm sinh vào mặt sau của ảnh trước khi dán.


>>> Ứng dụng hữu ích cho cuộc sống ở Nhật Bản của Du học sinh, Tu nghiệp sinh


CÁCH VIẾT SƠ YẾU LÝ LỊCH CHUẨN NHẬT


Trước khi viết, chú ý:


- Viết mực đen. Không viết chữ quá nhỏ gây khó đọc cho người tuyển dụng.


- Viết nắn nón, tránh tẩy xoá, không được dùng bút xoá. Chẳng may viết nhầm lỗi nhỏ thì ta gạch chéo 2 nét rồi sửa lại, viết nhầm bẩn quá thì hãy đổi sang viết tờ mới nhé! Hoặc có một cách hay hơn là viết nháp 1 bản rồi mới chép thật nắn nót vào bản chính để chắc chắn không bị viết nhầm, tẩy xoá.


- Viết tay. Tránh viết một bản rồi copy thành nhiều bản để nộp nhiều nơi cùng lúc. 90% bạn sẽ trượt nếu làm điều này.


CÁC BƯỚC VIẾT SƠ YẾU LÝ LỊCH CHI TIẾT:


Bên dưới là tổng thể của 1 bản sơ yếu lý lịch:



Chi tiết cách viết từng mục:




Ngày tháng: Viết ngày bạn sẽ nộp sơ yếu lý lịch hoặc 1 ngày trước đó. Trường hợp gửi theo đường bưu điện thì hãy ghi vào ngày gửi.

 

Ở Nhật, cũng có 1 số bản sơ yếu lý lịch có viết ngày, tháng, năm theo niên hiệu (Như trên ảnh):


- Nếu trên bảng sơ yếu lý lịch có viết niên hiệu: Ví dụ như: "平成" thì hãy điền vào số niên hiệu.

Năm 2016 là Heisei năm thứ 28, năm 2017 là Heisei năm thứ 29. Năm 2018 là Heisei năm thứ 30. Năm 2019 là năm Reiwa (令和)năm thứ 1...

- Nếu trên bảng sơ yếu lý lịch không có viết niên hiệu "平成" thì điền vào năm dương lịch.


Tên họ (氏名): Viết bằng chữ in, to và rõ ràng. Viết furigana phía trên:

Hãy điền vào tên họ theo katakana với mục đích cho người nhận bảng sơ yếu lý lịch dễ đọc.

- Cách viết theo katakana (Với người ngoại quốc)
+ Không cần nhập điền vào khung "ふりがな"/ Hoặc viết tên bằng Katakana ở khung "ふりがな".
+ Viết tên tiếng Việt: VIẾT IN HOA + Ko dấu: Vào khung "氏名" ở dưới.

VD: Bạn tên là Nguyễn Khánh Ly. Sẽ điền là: 

ふりがな: グエン カイン リー

氏名: NGUYEN KHANH LY


Viết Ngày tháng năm sinh, tuổi và giới tính của bạn:


- Cách viết ngày tháng năm sinh:
Viết ngày tháng năm sinh theo dương lịch.

- Cách viết tuổi:
Hãy viết vào tuổi của bạn tính tại ngày điền vào bảng sơ yếu lý lịch.

- Cách viết giới tính:
Hãy khoanh tròn vào 1 trong số: 男(Nam)・女(Nữ).

Ví dụ: 


1992年07月24日 生 (満27歳)


④Chỗ dán ảnh.


>>> Hướng dẫn mua đồ cũ giá rẻ và xin đồ miễn phí tại Nhật bằng web và ứng dụng tiện lợi


⑤Địa chỉ hiện tại(現住所):

Địa chỉ nơi bạn ở. Nếu được trợ cấp chi phí giao thông, hầu hết nhà tuyển dụng sẽ dựa vào địa chỉ này của bạn để cung cấp chi phí giao thông cho bạn.

- "〒": hãy điền vào số bưu chính.
- "ふりがな": Hãy viết địa chỉ theo âm hiragana.

Số điện thoại liên lạc(電話)


⑦ Địa chỉ liên lạc(連絡先):

Trong trường hợp bạn muốn nhà tuyển dụng liện lạc với bạn qua 1 địa chỉ nào đó khác nữa thì ghi thêm vào cột này, nếu không thì ghi chữ 同上 (tức là “như trên"). 

Còn không thì để trống không sao.



Học vấn- Lịch sử công việc(学歴・職歴): Ghi lại quá trình học tập và làm việc của bạn (thường là từ cấp 1 đến thời điểm xin việc). Các bạn chú ý viết như mẫu trong ảnh nhé.


- Về Học vấn (学歴): Ghi ở chính giữa dòng đầu tiên chữ 学歴:


Từ các dòng tiếp theo: khi lần lượt từ tốt nghiệp tiểu học đến thời điểm hiện tại. Cấp 1 và cấp 2 chỉ cần ghi năm tốt nghiệp, còn từ cấp 3 thì bạn phải ghi cả năm nhập học và năm tốt nghiệp. Nhớ viết đầy đủ tên của các trường bạn đã theo học.


Một số từ có thể dùng:


Nhập học 入学
Tốt nghiệp 卒業
Chuyển trường 転入学
Nghỉ học (tạm thời một thời gian) 休学 (trong trường hợp này bạn nên mở ngoặc thêm lý do nghỉ học tạm thời, do bị ốm/bệnh cần nghỉ học để chữa trị chẳng hạn)
Đi học lại 復学
Nghỉ học hẳn/Thôi học 退学


- Lịch sử làm việc (職歴): Để cách ra một dòng, dòng tiếp theo ghi ở chính giữa chữ 職歴 nếu bạn đã có kinh nghiệm làm thêm trước đó. Nếu chưa làm thêm bao giờ thì không phải ghi gì nữa cả.


Ghi lần lượt các công việc làm thêm bạn đã từng làm.



 Bằng cấp- Chứng chỉ (免許・資格): Ghi những bằng cấp chứng chỉ bạn có được, ví dụ như chứng chỉ tiếng anh TOEFL, IELTS, chứng chỉ tiếng Nhật, chứng chỉ kế toán, bằng lái xe, vv…(Không ghi bằng tốt nghiệp cấp 3 hay đại học)


 Thời gian đi lại đến nơi làm việc (通勤時間): Ghi rõ bao nhiều tiếng và bao nhiêu phút.


Số thành viên trong gia đình phụ thuộc vào thu nhập của bạn (Không tính vợ/chồng)(扶養家族数(配偶者を除く): Nếu bạn đến Nhật du học và sống một mình thì điền 0 vào nhé!


 

- Khung bên trái: Có vợ/chồng hay không(配偶者): Đã có vợ/chồng thì khoanh vào 有 còn không thì 無.


- Khung bên phải: Có nghĩa vụ phải nuôi chồng/vợ hay không(配偶者の扶養義務): Nếu chưa kết hôn và không có nghĩa vụ phải nuôi vợ hay chồng thì chọn 無 nhé.


Lý do ứng tuyển (志望動機・自己PRなど): Viết lý do bạn muốn đi làm thêm và lý do bạn muốn vào làm ở nơi bạn ứng tuyển, thế mạnh và ưu điểm của bản thân, những kinh nghiệm bạn đã có được.


Cột ghi nguyện vọng của người ứng tuyển(本人希望記入欄): Ghi nguyện vọng của bạn: một tuần muốn/có thể làm bao nhiêu buổi, trong tầm giờ nào. Có thể làm việc trong thời hạn bao lâu (6 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn), …


Đó là tất cả bài hướng dẫn chi tiết về cách viết sơ yếu lý lịch chuẩn bằng tiếng Nhật (Đi phỏng vấn làm thêm Baito) cho các bạn tham khảo. Mọi người nhớ ghi tất cả những điểm mạnh, những kinh nghiệm đã có của mình vào để gây ấn tượng nhất với nhà tuyển dụng nhé! 


*Tham khảo: Japan Word


🔑 TÀI LIỆU TIẾNG NHẬT FREE🔑 

>>> Toàn bộ về Kính ngữ, Khiêm nhường ngữ, thể Lịch sự trong tiếng Nhật

>>> So sánh Biên - Phiên dịch - Cơ hội và khó khăn việc làm trong Thế kỉ 21

>>> Hướng dẫn đọc báo tiếng Nhật NHK NEWS WEB EASY chuẩn trên web, điện thoại


>>> KHI MUA SÁCH TẠI SÁCH TIẾNG NHẬT 100<<<

🔶 Thoải mái ĐỔI TRẢ sách trong vòng 7 ngày

🔶 FREE SHIP với đơn hàng từ 379k

🔶 Thanh toán linh hoạt (Ship COD, chuyển khoản...)


Để lại bình luận